Từ nhà thờ Christ (Harvard/Boston), nghĩ về giáo dục thế hệ mới Ngày đăng 06/06/2020, 19:18
Nguyễn Thị Lan Hương
NEWASIA GLOBAL LEARNING
Với 2 câu hỏi:
- Nếu em biết bạn em bị bắt nạt, em sẽ làm gì giúp bạn em?
- Em có nghĩ em là người tự do? Em sẽ làm gì để là con người tự do?
Tôi đến Boston tháng 12/2018 – 4/2019 để tìm cơ hội học, hiểu và xây dựng hệ thống “hỗ trợ” giúp sinh viên khó khăn hoàn tất chương trình và lấy được bằng cấp đại học mà họ đang theo đuổi, một kế hoạch dự kiến về mô hình Sinh Viên Giúp Sinh Viên, Giáo sư hướng dẫn và Đại học và Cộng Đồng hỗ trợ. Trong thời gian lang thang làm tình nguyện ở Boston, giúp đỡ những người vô gia cư ở các nhà thờ và trung tâm hỗ trợ người nghèo, tôi học “trường đời” về vô vàn những hoàn cảnh đẩy họ xuống con đường, mà ở St. Francis House/Boston, họ dùng từ “dead-end” (đoạn đường chết), mà hầu hết, đều sẽ vẫn tiếp tục cuộc đời nghèo đói và vô gia cư, chưa kể đến những bệnh tật và tội phạm đẩy họ vào tù.
Tôi hiểu “tự do” có ý nghĩa là gì, từ góc nhìn của tầng lớp đáy xã hội Mỹ, để hiểu, tại sao những bạn bè sinh viên Mỹ của tôi, dù không phải vô gia cư, nhưng họ lại “được” nợ tiền học và bỏ học trên 65% số sinh viên theo học trên toàn Mỹ. Tự do được trả bằng “nợ tiền học”, “nợ đời” mà nếu không cẩn thận, dù bạn học đại học, có tri thức, bạn vẫn có thể rơi vào “dead-end” như thường, bởi hệ thống cơ chế quyền lực và phân biệt tầng lớp xã hội được thiết lập để “giúp sinh viên khó khăn và túng quẫn, trước khi bỏ học”! [1]
Với câu hỏi đầu tiên cho các em học lớp 6, có hai em trai gốc Á, một Nhật Mỹ và một Phillipine Mỹ trả lời, ‘Em sẽ đánh lại đứa nào bắt nạt em và bạn em. Em không chịu đứa nào bắt nạt, nó bắt nạt là mình phải đánh”. Mấy em gái Mỹ gốc Phi trả lời nhẹ nhàng hơn, ‘Em sẽ mách cô, mách trường”, còn có mấy đứa khác thì “Em không biết nữa, có lẽ sẽ nói với bố mẹ xem sao”.
Nhưng điều thú vị là với câu thứ 2. Nước Mỹ tự hào là đất nước tự do, nhà của những con người dũng cảm, nhưng với học sinh lớp 6, hầu hết đều trả lời, “Không, mình đâu có được tự do” bởi vô số lý do khác nhau, đứa thì nói mình phải chịu những gì người khác bắt ép mình dù mình không thích (có em trai Mỹ gốc Nhật là hài hước nhất, bởi nó nói nó đâu có thích học những gì ở trường đâu mà vẫn phải học, đâu có tự do được?), đứa thì nói đến bố mẹ cũng đâu được tự do làm gì mình muốn, thì trẻ con làm sao có tự do; rồi đứa thì nói trong xã hội luôn có những thứ làm rào cản cho mình được tự do, nhưng cần phải thế để đảm bảo trật tự, ví dụ như đi trên đường phố chẳng hạn…
Câu hỏi tiếp theo về việc, “thế làm gì để giúp bạn khi bạn bị bắt nạt?” và “làm gì để được thành người tự do?” hình như quá khó với độ tuổi này, bởi hầu hết chúng nói, chúng sẽ báo cáo với nhà trường và gia đình, mà nếu nhà trường không làm được gì nữa thì sẽ bảo bạn chuyển trường, và phải chờ em lớn lên mới biết em làm được gì để được tự do…
Khi tôi nói đùa rằng, nếu cứ gặp bắt nạt thì chuyển trường vì không có ai giúp thì chả nhẽ chuyển trường suốt được, chúng cười bảo, thế thì bỏ học!
Với những kêu gọi về chống bạo lực, chống bắt nạt, an toàn cho trường học, giáo dục đạo đức và nhân cách cho học sinh, tôi không rõ, những câu hỏi trên có ai đưa vào lớp để hỏi bọn trẻ cách hành xử, hướng dẫn chúng hành xử, và để chúng hiểu, nếu hôm nay, em bắt nạt một ai đó, mầm mống của tội ác đã được bắt đầu, không chỉ cho một học sinh, mà có khi là tội ác với dân tộc mình, hoặc của cả một dân tộc, với thế giới và với những dân tộc khác?
Khái niệm “tự do”, “con người tự do” luôn có khuôn khổ của nó trong mỗi dân tộc, mỗi đất nước và mỗi thời đại, nhưng hình như đó là mục tiêu cao nhất để làm người. Tiếc thay, với những đứa nhỏ thời nay, chúng đã ý thức sâu sắc việc chúng và cha mẹ chúng không hề có tự do, dù đó là tự do được học điều chúng muốn, tự do làm những gì không sai phạm, và có ai biết được, trong thời đại internet vạn vật, cuộc sống tinh thần và thường ngày của chúng hoàn toàn bị “cầm cố” bởi chính phủ và những chủ công nghệ, bởi những thông tin ai đó muốn chúng đọc, chúng biết, và “định hướng” hành động với những cấu trúc xã hội [2], mà nếu không nhìn kỹ ra, sẽ không hiểu được, tại sao vì quyền lực lãnh đạo nhân dân, họ có thể bán rẻ tương lai và người dân của họ cho nước ngoài?
Nếu ai nghi ngờ điều này, xin được trích dẫn lại mấy nguồn từ nước Mỹ:
Abraham Lincoln [3]:
“Nước Mỹ không bao giờ bị phá hoại từ bên ngoài, trừ khi chúng ta từ bỏ tự do và đạo đức của đất nước, chính chúng ta tự phá hoại chúng ta”
Michael Pillsbury [4]:
“Trong thời gian rất dài, những nhà lãnh đạo nước Mỹ sống với những “giả thiết sai” và “những điều mong muốn ảo tưởng”…Theo đó, những giai tầng tinh hoa (elite) lãnh đạo, hoặc vì lợi ích của bản thân hoặc vì lợi ích của đảng phái, cùng với những tập đoàn lớn, đã không hoạt động vì lợi ích của đất nước”
Thomas Friedman [5]:
“Một hệ thống chính trị đổ vỡ, đến mức độ các đảng phái căm ghét nhau, họ thà gả con cho kẻ thù còn hơn gả con cho con cái người của đảng kia. Họ đã đưa đất nước đến bờ vực của phá sản chính trị và quyền lực bị lạm dụng bởi những tập đoàn, trong và ngoài nước”
Derek Bok [6]:
“Khủng hoảng giáo dục đại học trong một thời gian dài, đòi hỏi chúng ta phải tìm ra được cơ chế giải quyết hai vấn đề cơ bản: tỷ lệ bỏ học/không tốt nghiệp và chất lượng đại học. Việc học đại học mà không rõ các sinh viên học được gì sẽ là một vấn đề về đạo đức giáo dục và tương lai của đất nước”
Robert Gordon [7]:
“Những nhà tin tưởng vào công nghệ (techno-optimistics) đã tin rằng công nghệ có thể thay đổi nước Mỹ và kinh tế Mỹ. Tiếc thay, hơn 20 năm qua không chứng minh điều này. Thay vào đó, nó kéo hàng triệu người Mỹ vào cuộc sống đói nghèo và khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội đã tăng lên vượt bậc. Giáo dục đã là một trong 4 nguyên nhân gây bất bình đẳng và là rào cản cho chuyển đổi tầng lớp xã hội, theo đó, tăng trưởng kinh tế cũng bị chậm lại”
Từ những nhận định trên đây, từ thời A. Lincoln đến hơn 100 năm nghiên cứu kinh tế và xã hội Mỹ của Robert Gordon, chúng ta suy nghĩ gì đến giáo dục tự do cho con trẻ, cho xã hội? Hay chúng ta cần quay lại với câu hỏi mà cựu chủ tịch Harvard [8] đã từng nêu ra:
“Để nói về giáo dục, hãy nói cho tất cả biết, bạn muốn sống trong một cộng đồng, một xã hội như thế nào? Và để có thể xây dựng một cộng đồng như vậy, chúng ta cần những con người như thế nào?”
Điều hài hước trên thực tế lịch sử loài người lại là, có thể chúng ta muốn mọi điều tốt đẹp về mình, nhưng với những người khác, với những dân tộc khác, liệu chúng ta cũng mong muốn giúp đỡ, chia xẻ và để họ có cơ hội được hưởng những điều tốt đẹp đó hay không? Hay chúng ta, nếu có bất kỳ điều kiện nào để “bắt nạt”, “cướp”, “nô dịch” hay từ hiện đại hơn là “thuộc địa kiểu mới”, với những khoản vay nợ không có cách nào trả, với những xuất khẩu công nghệ ô nhiễm và gây thảm hại về kinh tế cho nước khác, với những sức mạnh về kinh tế - công nghệ - quân sự, chúng ta áp dụng thành thạo “kinh tế - quân sự” để gây sức ép cho những nước nhỏ yếu, những nước không có lợi thế ở bất kỳ điều gì?
Nói đến giáo dục tự do ở Mỹ, liệu điều đó có nên suy nghĩ cho tất cả các nước trên thế giới này?
Giáo dục là gì, và giáo dục mới cho thế kỷ này, thế kỷ 21 là gì, nếu những tư tưởng “vĩ đại”, “thống trị”, “đe dọa quân sự hóa” các vùng đất và nguồn tài nguyên của nước khác vẫn đang phổ biến khắp nơi? Những hành xử quốc gia như vậy, liệu có là hệ quả của những hành vi bắt nạt và trấn áp ở trường học?
Lại xin nhắc câu nói của A. Lincoln [9]
“Những gì được dạy dỗ trong trường học hôm nay là triết lý xã hội của lãnh đạo thế hệ sau”
Chúng ta nghĩ sao để dạy cho con trẻ sống là người tự do, là con người có trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và thế giới?
Tài liệu tham khảo: