Tự do và Tri thức: Vai trò nào cho Giáo dục Đại học Ngày đăng 06/06/2020, 20:42
Nguyễn Thị Lan Hương
NEWASIA GLOBAL LEARNING
Khi nói đến định hình vai trò của giáo dục đại học trong tương lai, nhân bàn về “quốc tế”, “so sánh”, “cạnh tranh” để tìm kiếm những xếp hạng toàn cầu, có mấy điều sáng nay thật đáng ngẫm!
- Chúng ta nói đến ‘quốc tế” với nhiều từ khác nhau, với tiếng Anh có đến nhiều từ ngữ để nói về “quốc tế hóa” giáo dục, ví như international education; internationalization; hay global education, hay globalization of education; và còn nữa. Điều đáng nghĩ ở đây, là nội dung trong những từ này thể hiện như thế nào? Đặc biệt với việc chúng ta phân định “globalization” trong kinh tế và trong giáo dục. Điều gì quyết định về “giáo dục quốc tế” khi những lèo lái về kinh tế - chính trị quyền lực đã và đang đi, hình như “không đúng hướng” và được quản trị sai, bởi số đông không hề được hưởng lợi (J. Stiglitz)
- Quốc tế hóa giáo dục thông qua nghiên cứu so sánh và đánh giá, để vươn tới những thứ hạng toàn cầu do một vài tổ chức đứng ra chủ trì, mà hầu hết không tính đếm những giá trị về văn hóa – con người – lịch sử và bối cảnh phát triển. Những so sánh và ngay trong các chỉ số không chỉ về đánh giá xếp thứ hạng giáo dục đại học toàn cầu, mà chỉ cần nhìn sang “các chỉ số kinh tế” toàn cầu đang được “xếp hạng” dựa trên những dữ liệu không chuẩn, không phản ánh thực tế, không xác định rõ được, những xếp hạng toàn cầu với những chỉ số chúng ta tự đưa ra cho mình, nhằm để đo lường giá trị nào, phục vụ mục đích gì? Không phải vấn đề của các chỉ số, của những con người làm đo lường và xếp thứ hạng, mà ở mục đích và lợi ích nhằm hướng đến điều gì?
- “Cạnh tranh” để phát triển, và cạnh tranh để đổ vỡ? Đó là sự lựa chọn, mà nếu theo đúng tinh thần của UN, UNESCO về giáo dục và phát triển con người, đó là phát triển bền vững. Có cách nào để phát triển dựa trên cạnh tranh, từ đổ vỡ mà tạo nên sự bền vững? Cạnh tranh, lại phải nói đến khía cạnh đạo đức của kinh doanh, và dù trong giáo dục đại học thời đại thương mại hóa, kinh doanh giáo dục được đặt lên trên mục đích chính của giáo dục: GIÁO DỤC LÀM NGƯỜI. Điều chúng ta học được từ lịch sử phát triển nhân loại, đó là chỉ có giáo dục thực sự khi có tự do cùng với tri thức thật. Đó là sự cạnh tranh trung thực – minh bạch – có trách nhiệm với con người và tiến bộ của nhân loại, không phải để gây đổ vỡ rồi nhân danh đó nói đến mục tiêu “nhằm phát triển”.
Điều này buộc tất cả chúng ta phải nghĩ đến một câu hỏi lớn hơn chỉ là vấn đề giáo dục quốc tế: đó là quốc tế hóa giáo dục để hướng giá trị con người đến điều gì? Khi tự do của con người, khi tri thức của con người, khi bản tính “nhân bản” tự nhiên của con người được khai thác và lạm dụng, và chỉ vì lợi ích của số rất ít, còn 99% nhân dân và con trẻ lại phải trả giá?
Vậy, làm sao để khi bàn về giáo dục đại học và quốc tế giáo dục đại học, chúng ta tìm ra được giá trị đích thực của việc tạo nên những con người tự do? Có tri thức? Có trách nhiệm với bản thân mình, với xã hội?
Nói ra thì dễ, nhưng để làm người, để làm người tự do, lịch sử nhân loại vẫn đang nỗ lực tìm kiếm và cần định nghĩa lại về con người tự do trong thời đại tư bản giám sát này. Bởi nếu không, chỉ e là chúng ta hình như lại tiến hóa “ngược”!
[Thế nào là một con người, nếu không phải là con người tự do? Không biết khi nào thế giới cùng trả lời được?]