Thư gửi FAHASA và các nhà sách trên đường Sách Ngày đăng 06/06/2020, 20:27
NEWASIA GLOBAL LEARNING
Tầng 19, Indochina Park, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu
Quận 1, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 11 năm 2019
Kính gửi: FAHASA và các nhà sách trên đường Sách
Hồ Chí Minh
V/v: Chia xẻ một số ý kiến nhằm thu hút thêm những người thích đọc sách, và tăng cường xây dựng mô hình xã hội đọc – học – văn minh của Sài gòn
Thưa Quý Vị,
Là một người Sài gòn và rất có lòng yêu mến sách, đặc biệt tại Fahasa và những nhà sách xung quanh Sài gòn, tôi mong có thể gửi đến Quý Vị một số ý kiến, nhằm có thể thực hiện tại nhà sách, những hoạt động hữu ích cho nhiều tầng lớp nhân dân với mục đích hướng tới nâng cao lòng yêu thích sách và tạo lập thói quen đọc sách cho người Sài gòn, hay bất kỳ ai đến Sài gòn, cũng đều yêu mến Sài gòn vì tinh thần này.
Bởi cá nhân tôi tin rằng, chúng ta có thể ngập nước, có thể tắc đường, vẫn chưa sạch đẹp gì về đường phố, nhưng ít nhất, lòng hiếu đọc – hiếu học có lẽ sẽ giúp những thế hệ đang sống và làm việc tại Sài gòn sẽ cùng với sách và tri thức, giúp cho tất cả sẽ gây dựng Sài gòn thành một nơi đáng sống và nhân văn.
Những điều sau, theo quan điểm cá nhân tôi, có lẽ hoàn toàn có thể thực hiện được, và chúng ta đã thực hiện được một số hoạt động, và hy vọng, những hoạt động này có thể được duy trì, phát triển ở mức độ cao hơn với nhiều thành phần và các tầng lớp xã hội tham gia. Cụ thể:
- Với Fahasa, theo tôi quan sát, tầng 3 và tầng 2 khu góc sách dành cho nước ngoài rất ít người đến tham quan hay đọc sách bằng tiếng nước ngoài, trừ một khu sách tiếng Anh tập trung tại tầng 1. Theo thiển ý của tôi, nếu chúng ta mời được những bạn đang học tiếng Anh, Nhật và các ngôn ngữ nước ngoài tại những đại học đến mỗi tuần, hay hai tuần hay thậm chí 1 tháng một buổi nói chuyện trao đổi, không phải chỉ để nói về sách hay giới thiệu sách, mà bản thân có thể chia xẻ về những gì liên quan đến văn hóa – con người – và trên hết, điều gì từ những giá trị của con người có văn hóa lại trường tồn? Nếu tạo dựng được một câu lạc bộ về sách, và Fahasa đứng ra tổ chức đọc và chia xẻ văn hóa, nói chuyện về giá trị văn hóa, không chỉ của Việt Nam, mà của các nước khác, sẽ giúp cho chính Sài gòn trở nên “quốc tế” hơn bao giờ hết, dù chỉ từ một góc nhỏ của một tầng gác sách mà rất ít người đến. Điều này không nên bó hẹp ở những chủ đề, bởi qua đọc và quan sát những buổi nói chuyện về sách ở đường Sách, tôi nhận ra, chúng ta hình như thích “chủ đề” mà ai cũng có vẻ được “định hướng”. Điều quan trọng nhất của các hoạt động về sách, nó cần bình dân, giản dị, và thu hút được người đọc, nhất là học sinh sinh viên và giới trẻ đến nghe và chia xẻ những phản ánh của họ về cuộc sống, mà đâu đó chúng ta cần những người có bề dày về cuộc sống và sách để có thể nói với họ những gì họ có thể tham chiếu, từ sách và từ chính trải nghiệm của mình.
- Sài gòn có nhiều tầng lớp nhân dân khác nhau. Điều chúng ta cần suy nghĩ đầu tiên là tập trung vào tầng lớp nào. Tôi ngạc nhiên khi thấy chúng ta hài lòng với những học sinh sinh viên dành nhiều thời gian ở lớp học hơn là ở hiệu sách. Việc liên kết giữa các nhà xuất bản với những trường lớp phần nhiều đều để tập trung vào bán sách giáo khoa. Nhưng chúng ta có lẽ hình như quên, rằng nếu chỉ sách giáo khoa, sách tham khảo thì đâu có “mơ” về những học sinh biết sáng tạo? Liên kết giữa nhà sách – nhà xuất bản và trường lớp cần và nên được tổ chức sao cho các bên nhìn thấy được, học sinh sinh viên được đọc một cách đa dạng ra sao; mà điều đó, không nên phụ thuộc vào ai có tiền mới được đọc, vì giá sách hiện nay là một câu hỏi lớn cho những học sinh và phụ huynh nghèo. Việc tổ chức mỗi lớp có một thư viện cũng có lẽ “hơi tham vọng “ quá, bởi nếu thực sự muốn học sinh đọc tại trường, hay tại bất kỳ đâu, nó không chỉ dựa trên số thư viện; mà cần được tổ chức sao cho đọc là vui, thậm chí vui như học; để đảm bảo thói quen đọc và đọc đa dạng thì có lẽ mỗi trường cần tổ chức cách nào đó khoa học và thiết thực hơn. Chúng ta đã chứng kiến cảnh nhà nhà văn hóa, khu phố văn hóa, nhưng có văn hóa hay không thì lại cần nhìn vào thực chất của mỗi con người trong đó. Do vậy, theo tôi, mỗi trường phải dựa vào thực tế số lớp, số học sinh, độ tuổi, và đặc biệt là đầu sách đọc, không nên để đọc những gì không giúp ích cho trẻ, hoặc giả chỉ để “mua sách kiếm tiền” ăn chia giữa các nhà xuất bản chiết khấu gì đó. Học sinh nghèo, gia đình nghèo, mà vẫn có thể đọc được sách, đó là điều thách thức cho ngay tại Sài gòn. Và nếu Sài gòn tìm được cách giải quyết phù hợp, chúng ta có thể nghĩ đến các mô hình khác nhau cho những vùng khó khăn hơn, dựa trên chính quỹ sách mà Sài gòn gây dựng nên.
- Tại sao việc xếp giờ đọc sách trong lớp lại là vừa cần nhưng lại vừa không cần thiết? Chúng ta đối mặt quá lâu với “hình thức”, mà biến những gì đáng lý là thói quen tốt và nên làm, trở thành thói quen cho cộng đồng, nhất là con trẻ từ nhỏ, nay trở thành bệnh đối phó. Khi đã đối phó, từ lớp, từ giáo viên và từ học sinh, mọi điều tốt đẹp khác không còn là thật! Mặc dù Bộ Giáo dục đã cố gắng đưa giờ đọc vào giờ học chính khóa, và kèm theo đó là giờ học công dân, chúng ta đã quên đi mất là học sinh học và cảm thụ mọi điều theo độ tuổi. Cần tư duy về giờ học công dân thông qua việc đọc – học – vui chơi dưới những hình thức mà chính người thầy phải sáng tạo; hoặc hãy tạo dựng những “kênh” để chính học sinh lớp trên xuống chơi và học – dạy qua chơi với các em nhỏ ở lớp dưới, mà đọc sách cùng nhau là điều hợp lý và tạo dựng thói quen đọc cho tất cả các bạn cùng tham gia. Tôi có kiến nghị với Trường Đại học Khoa Học Xã hội Nhân Văn Hồ Chí Minh về những việc sinh viên nên làm, trong đó, theo tôi, sinh viên không chỉ của DHKHXHNV, mà cả Sài gòn, nên chia nhau đi tạo dựng các Quỹ Sách cho Thiếu Nhi, chia nhau đi xuống các trường để tham gia cùng vào các hoạt động tại trường lớp; rồi, với những người lớn hơn, có tri thức hơn sẽ giúp đỡ lại sinh viên trong các buổi nói chuyện về sách tại Fahasa và đường sách hay tại trường, theo những gì mà trải nghiệm thực tế cuộc sống chúng ta nghĩ là cần thiết cho sinh viên.
Đường sách Sài gòn là một biểu tượng cho văn hóa đọc; nhưng nó nhỏ, hẹp và sách chưa đa dạng. Chúng ta cần nghĩ đến cách làm sao để đường sách đó đi đến từng khu phố; hoặc dựa vào đúng mô hình “Khu phố Văn Hóa” của Sài gòn mà thiết kế sao cho có những khu dành cho đọc, hoặc chia xẻ sách; nhưng phải thực sự với những ai muốn đọc, muốn chia xẻ, để thực hiện cho nó đúng, nó có tình người, chứ không phải để làm hình thức, dựng lên dăm cuốn sách, để mốc meo và cũng gọi đấy là “xã hội đọc” thì không phải.
Xin thứ lỗi nếu tôi nói hơi quá lời, nhưng nếu nhìn đến các ủy ban các cấp ở địa phương, có lẽ chúng ta có thể đặt ra câu hỏi, những gì nhân dân đóng góp cho xóa mù chữ và giáo dục cộng đồng nó nên được dùng như thế nào cho hữu ích?
Nếu chúng ta thực sự nghĩ đến nâng cao năng lực người Việt qua đọc sách, một hình thức tự học của cá nhân (bởi dù có người đọc hộ, mỗi con người, chúng ta hy vọng họ có cảm thụ, có trái tim cùng hoàn cảnh riêng để nhận thức cho bản thân mình), hãy để cho việc đọc, thói quen đọc không phải chỉ là “theo quy định” về giờ đọc chính thức trong lớp học.
Với những gì tôi đã trải qua hơn 20 năm ở Fahasa, cá nhân tôi tin là thực ra Fahasa có thể làm ăn tốt hơn nữa, nếu họ tạo được nhận thức họ không chỉ là nơi bán sách; họ cần nghĩ đến “chiều sâu” của sách dù họ chỉ là người kinh doanh.
Chúc cho Fahasa và Đường Sách Sài gòn, sẽ là những người bạn của nhân dân Sài gòn, với mục tiêu, hãy giúp cho mọi người đọc với nhận thức rõ về những gì là hữu ích và trường tồn với con người.
Nếu trường hợp tôi có thể giúp ích gì cho Quý Vị, xin vui lòng liên hệ với địa chỉ nêu trên. Tôi nghĩ tôi có “mắc nợ” Fahasa, bởi thú thật, tôi thích đọc và thường đến đó đọc, nhưng chỉ mua những gì thật sự cần và là sách quý. Thế nên việc có thể làm gì hữu ích giúp cho Fahasa và các nhà sách phát triển, xin vui lòng liên hệ.
Trân trọng,
Nguyễn Thị Lan Hương