Thư gửi Chú Mai Hà, Bộ KH-CN Ngày đăng 06/06/2020, 20:00
NEWASIA GLOBAL LEARNING
19th Fl., Indochina Park, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Q. 1, Hồ Chí Minh
E-mail: huong.newasia@gmail.com
Hà nội, ngày 02/3/2020
Kính gửi: Chú Mai Hà, Bộ KH-CN
V/v: Một số suy nghĩ về Chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản Trị SHTT/ĐHQG Hà nội (“Chương trình”)
- Khi đề cập đến Chương trình ở cấp thạc sỹ: cần nhìn lại cấp đại học và các chương trình ở phổ thông, nhận thức về giáo dục sáng tạo, sở hữu trí tuệ dưới những góc độ khác nhau hiện nay như thế nào? Ví dụ của cấp đại học (ĐH), các chương trình giáo dục và đào tạo trong các ngành/ĐH khoa học kỹ thuật và xã hội đề cập đến SHTT ở những góc độ nào? Cần làm rõ điều này để định vị chính xác chương trình thạc sỹ quản trị về SHTT nên làm gì, vì giả sử như chương trình cấp ĐH ngành luật quốc tế, kinh tế quốc tế và một số ngành đã đề cập đến luật SHTT và các phương thức bảo hộ SHTT hoặc ứng dụng SHTT thì thạc sỹ quản trị SHTT sẽ tiếp tục mục tiêu gì của giáo dục về SHTT?
- SHTT là một khái niệm rộng, nhưng đã được quốc tế hóa bởi luật quốc gia và luật quốc tế, nằm trong các Hiệp định về bảo hộ SHTT quốc tế và/hoặc các Hiệp định Thỏa Thuận song phương/đa phương về thương mại, nhất là về SH công nghiệp và bản quyền tác giả. Cách thức tiếp cận về quản trị SHTT của Chương trình nên như thế nào? Nhất là trong đặc thù của toàn cầu hóa và công nghệ và IoT, với môi trường kinh tế - văn hóa – khoa học của Việt Nam, một nước đang phát triển ở nền kinh tế trung bình – khá và dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp muốn chuyển đổi sang nền kinh tế công nghiệp với công nghệ cao?
- Nói đến SHTT là nói đến con người và tự do sáng tạo trong môi trường, cộng đồng và giá trị phục vụ cho tiến bộ của tri thức và xã hội, nhân loại. Không tự dưng phát triển được SHTT, nếu không có những điều kiện tối thiểu. Nếu đưa SHTT với mục tiêu phát triển Trí Tuệ Việt Nam là động lực chính cho phát triển kinh tế tri thức của con người Việt Nam, những phương thức nào sẽ là phù hợp, khi hệ thống đại học và giáo dục phổ thông cùng với bối cảnh xã hội lại hướng đến là “thị trường thương mại” dưới tên gọi “xã hội hóa”? Nếu như mô hình hợp tác để xã hội hóa giáo dục và đặc biệt trong kinh tế (sau khi thực hiện chương trình Đổi Mới, 1990s đến nay), Việt Nam – nền giáo dục và khoa học “học” được gì, nhất là với những chương trình hợp tác với quốc tế và trong hệ thống giáo dục đào tạo ứng dụng?
Những suy nghĩ trên cần được trả lời thấu đáo, để định hình rõ, không chỉ là Chương trình cho thạc sỹ quản trị, mà có thể giúp lãnh đạo Bộ GDĐH, Bộ KHCN mà cả hệ thống quản trị nhà nước hiểu rõ, khi nói đến SHTT là nói đến đào tạo con người sáng tạo, mà chỉ có năng lực này khi có môi trường thích hợp, dù đó là ở trường học cấp 1, dù chỉ là từ giáo viên hay phụ huynh; hay kể cả các cụm khu phố văn hóa. Nếu nhìn đến Chương trình thạc sỹ quản trị, chúng ta nói đến “quản trị” điều gì là ưu tiên, đối tượng được gọi là “sở hữu trí tuệ” hay những điều kiện, môi trường và những yếu tố thúc đẩy cho con người Việt Nam sáng tạo để tạo dựng ra những gì được gọi là sở hữu trí tuệ khi được bảo hộ theo luật pháp?
Những sinh viên học Chương trình thạc sỹ sẽ có tác động đến môi trường phát triển SHTT như thế nào, khi những gì cần “thay đổi” để xây dựng một xã hội/dân tộc có tri thức lại cần được “ươm” từ những cấp dưới và từ những điều nhỏ, mặc dù có vẻ khá hình thức như “khu phố văn hóa” cần được phát triển thành “khu phố tri thức”; hay những con người có tri thức và văn hóa ở từng góc phố?
Nếu những chia xẻ trên là phù hợp với Chú Hà, cháu nghĩ để bắt đầu một Chương trình mà chú đang phát triển, có thể sử dụng để khởi động; nhưng cần phải thực hiện đánh giá lại những gì chúng ta đang dạy tại hệ thống đại học (là ít nhất) và cấp phổ thông; để đảm bảo việc giáo dục quản trị thực sự để tạo dựng những con người có thể thay đổi hệ thống tư duy về giáo dục sáng tạo, SHTT và những gì có liên quan (dữ liệu lớn/IoT/3D/nano hay những tác động của công nghệ với SHTT và giáo dục con người sáng tạo).
Về chi tiết của Đề án Chương trình mà chú gửi cháu tham khảo, cháu xin phép có một số nhận xét nhỏ sau:
- Khung chương trình/ Học phần/Số tín chỉ:
Có một số quan điểm hiện nay về chương trình thạc sỹ. Hoặc là đào tạo để làm quản lý; hoặc để tiếp tục thực hiện nghiên cứu ứng dụng hoặc để thỏa mãn tri thức. Từ kinh nghiệm của cá nhân cháu, thạc sỹ ở Mỹ chỉ trong 1 năm; khoảng 30 tín chỉ; trong đó có 50% dành cho thực tập; nghiên cứu ứng dụng và làm đề tài.
Nếu học tập một số chương trình quốc tế hóa cao như thạc sỹ chương trình quốc tế hóa giáo dục đại học của Boston College; hoặc thạc sỹ quản trị giáo dục; hầu hết đều dành nhiều thời gian cho việc làm nghiên cứu, dựa trên nền nghiên cứu khoa học (research-based) hoặc project-based (các dự án) để đánh giá hiểu biết và ứng dụng của nội dung học tập vào thực tiễn.
Về khối kiến thức chung:
Những gì liên quan đến tiếng Anh, triết học trong khối kiến thức chung nên tư duy lại dưới khía cạnh đó là những gì đã phải học ở cấp đại học. Nếu phải học triết học trong cấp thạc sỹ, thì điều gì ở môn đó sẽ giúp người học và chương trình hình dung về “quản trị SHTT” trong nền tảng của triết?
Tương ứng với ngoại ngữ, hầu hết các giáo viên và chương trình dùng tiếng Việt, ngoại ngữ có vai trò và giá trị gì? Trong khi SHTT là đối tượng được khuyến khích bảo hộ quốc gia và quốc tế, cách thức nào để định hình chương trình này dưới góc độ “quốc tế hóa”, để tránh việc học/dạy ngoại ngữ như một hình thức và thi lấy các loại chứng chỉ như một “giá” phải trả; mặc dù không rõ hiệu quả của ngoại ngữ được sử dụng như thế nào trong chương trình và sau khi học xong chương trình?
Về Khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành:
- Về khối kiến thức cơ sở trong học phần bắt buộc: đây thực chất là nội dung đọc hiểu, và bất kỳ ai của Cục SHTT/Bản quyền tác giả cũng có thể nói về các nội dung này, dưới góc độ chuyên môn chuyên sâu và thực tiễn của hoạt động quản lý và bảo hộ các đối tượng SHTT. Trên thực tiễn, từ những năm 1995 đã có những khóa học về những nội dung này; và đăng tải ngay trên website của Cục SHTT, do Cục hoặc do WIPO và các tổ chức quốc tế tổ chức giảng dạy. Điều này đặt ra câu hỏi cho Chương trình này ở cấp “thạc sỹ” có phù hợp hay không? Và nếu xét về giáo dục đại học và hệ thống giảng viên, chúng ta cần suy nghĩ đến việc giảng dạy cần các TS hay các chuyên gia chuyên ngành với kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn?
- Về học phần tự chọn: có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, về ngoại ngữ, nên xem xét dưới góc độ ngoại ngữ nên được sử dụng như thế nào trong khóa học, trong năng lực sử dụng ngoại ngữ để hoạt động tương ứng với chương trình học và với hoạt động thực tiễn của người học; chứ không phải chỉ là vài tiết học để bổ sung một số “ngôn ngữ học thuật”. Thứ hai, khi nói đến “tự chọn” được hiểu là quyền lựa chọn của người học với những môn học người học cần và muốn tìm hiểu chuyên sâu; trong khi đó, môn quản lý quá trình đổi mới/sáng tạo; hay quản lý rủi ro về SHTT lại cần được xếp vào phần học bắt buộc bởi đó là những kiến thức nền cho không chỉ là thạc sỹ quản trị SHTT mà là tất cả những ai có hiểu biết về tri thức và mong muốn sáng tạo. Điều đáng suy nghĩ kỹ là những môn được gọi là “kỹ năng” trong chương trình lựa chọn, bởi hiểu thế nào là kỹ năng, trong khi định giá SHTT là hẳn một chương trình đào tạo cơ bản tại Mỹ, bao gồm kiến thức tổng quát của cả lĩnh vực SHTT, thương mại và kinh tế (quốc gia và quốc tế), định giá và đánh giá tài sản hữu hình và vô hình dưới góc độ tài chính – luật – công nghệ và thậm chí cả an ninh quốc gia?
- Về kiến thức thực tập, luận văn: Nếu những gì là mục tiêu của Chương trình, thì điều gì giúp cho người học và Bộ KH-CN cùng với hệ thống giáo dục ĐH của ĐHKHXH&NV/VNU-Hà nội tin rằng thực tập và luận văn có thể chứng minh được chất lượng đào tạo? Với những ứng dụng trong thực tiễn từ những luận văn hay thời gian thực tập của người học? Điều gì quyết định chất lượng học của một Chương trình như thế này?
- Một số câu hỏi dựa trên nội dung chương trình thạc sỹ QTSHTT với những trung tâm nghiên cứu ứng dụng của các đại học quốc gia và vùng
- Sau khi tham chiếu đến cơ cấu tổ chức đại học quốc gia Hà nội (VNU-HN) như một ví dụ điển hình của đại học hàng đầu Việt Nam trong nghiên cứu ứng dụng trong khoa học tại đại học của Việt Nam, câu hỏi lớn cho Chương trình thạc sỹ quản trị SHTT, chúng ta muốn cộng thêm giá trị nào vào hệ thống tri thức Việt Nam; để tạo dựng ra môi trường thúc đẩy phát triển sáng tạo trong tri thức; bảo hộ sáng tạo đi cùng với ứng dụng hay thương mại hóa được những tri thức sáng tạo đó, với mục tiêu tạo dựng nên nền kinh tế tri thức cho tất cả người Việt, vì lợi ích “Xã hội Tốt (Nhân bản và Vì Nhân Dân)” (“Public Good”), không phân biệt nguồn gốc gia đình, vị trí hay địa vị dựa trên kinh tế - chính trị hay dân tộc ?
- Nếu nhìn đến chương trình đào tạo của đại học công nghệ, đại học thành viên của VNU-HN, nội dung chương trình đào tạo trên website chưa thấy đề cập đến vai trò của khoa học công nghệ dẫn dắt phát triển tri thức và sáng tạo như thế nào; bên cạnh những thách thức lớn về đạo đức trong khoa học công nghệ - ứng dụng và công nghệ/sở hữu trí tuệ phụng sự giá trị nào trong tương lai phát triển con người có tri thức và trí tuệ, nhất là trong thời đại IoT và đâu đâu cũng nói đến “số hóa” dữ liệu? Điều này cũng đòi hỏi Chương trình cần có tư duy tương ứng nhằm đảm bảo người học Chương trình có được cập nhật cần thiết để nhìn đến tương lai quản trị SHTT nên tập trung vào giá trị nào? Phương thức quản trị nào sẽ là thích hợp?
- Dưới góc độ của Bộ Khoa học – Công nghệ hợp tác với VNU-HN, hiện có Quỹ Phát triển KH-CN; Quỹ Phát triển các dự án tại VNU-HN mà Khu CN Cao Hòa Lạc là điển hình của việc định hình cho phát triển SHTT và giá trị nào cho Việt Nam, dựa trên mô hình hợp tác phối hợp giữa Đại học – Công nghệ Cao/R&D – Thị trường/Thương Mại và Phát triển. Vậy, những nhóm nghiên cứu mạnh của VNU-HN; những dự án và hợp tác phát triển nghiên cứu và quốc tế hóa các chương trình đào tạo tại VNU-HN và các DH thành viên đã và đang giúp ích điều gì cho phát triển khu CN Cao? Chương trình thạc sỹ quản trị SHTT sẽ mong đợi người học phát triển tương lai về quản trị điều gì của SHTT, nếu đặt mục tiêu phát triển công nghệ cao trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh (“vượt trội”) để khai thác làm nền tảng thúc đẩy thay đổi hệ thống đào tạo đại học/giáo dục và kinh tế Việt Nam thoát “thu nhập trung bình”?
- Công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực chưa được đề cập trong Chương trình. Trong khi thế giới đã tập trung vào AI/IA; máy học; học sâu và ứng dụng trong hơn 20 năm qua. Chương trình liệu có thể bổ sung nội dung chủ đề này; đi kèm với thực tiễn của Việt Nam, người Việt và những gì công nghệ 5G đang thực hiện tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài; và những gì là sở hữu trí tuệ và bảo hộ tại Việt Nam và trên thế giới?
- Thị trường trong nước – nước ngoài: khởi nghiệp, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng (thương mại, vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận) trong thời đại toàn cầu hóa và IoT. Mọi nơi đều nói đến start-up, khích lệ sinh viên sáng tạo và phát triển những ý tưởng. Toàn bộ những gì sinh viên làm trong quá trình này, dù là ở incubators (vườn ươm); trong các labs; hay trong cuộc sống thực tiễn của họ, ai và tổ chức nào sẽ giúp họ phát triển sáng tạo; bảo hộ và thúc đẩy họ, ngay kể cả khi họ thất bại trong những ý tưởng/dự án kinh doanh, trong môi trường đại học và sau đó? NATEC của Bộ Khoa học-Công nghệ; Bộ Công Thương; Bộ Ngoại giao và những tổ chức nào có thể liên kết phối hợp để tạo ra được những “kênh” minh bạch về thông tin/tài chính hỗ trợ và hướng họ đến việc phát triển sáng tạo bền bỉ, mà không sợ thất bại, dù ở trong nước hay nước ngoài? Những thủ tục, quy định, hỗ trợ trong từng giai đoạn phát triển các ý tưởng sáng tạo, dù ở hình thức start-up; nghiên cứu khoa học hay ứng dụng thương mại trong và ngoài Việt Nam sẽ cần thay đổi (đơn giản hóa các thủ tục và quy trình; tối đa hóa những cơ hội và phát triển năng lực cá nhân/nhóm/doanh nghiệp)
- Ngoài những gì mong muốn Chương trình đào tạo người học để phụng sự cho phát triển trí tuệ Việt Nam và thế giới trong tương lai, một điều khá thú vị cần đặt ra cho những người phát triển Chương trình là, mặc dù Cục SHTT được thành lập từ 1985, những trí tuệ Việt được bảo hộ dưới hình thức SHTT là gì? Đóng góp như thế nào cho phát triển khoa học và kinh tế xã hội Việt Nam? Lịch sử của Việt Nam/người Việt trong đóng góp tri thức cho nhân loại ra sao? Và làm gì để thúc đẩy những giá trị tri thức/trí tuệ Việt cho thế giới, nhất là cho những thế hệ tương lai?
Cháu thực sự thích tham gia vào phát triển và giảng dạy Chương trình này, mặc dù có lẽ Chương trình cần có điều chỉnh nhằm hướng đến nội dung cập nhật hơn; có tính ứng dụng/thực tế hơn, dù là trong quản trị hay trong khai thác tri thức về SHTT.
Với nội dung của chương trình này, cháu hy vọng những cơ hội được tiếp cận với SHTT dưới góc độ phát triển các trung tâm nghiên cứu ứng dụng dành cho giảng viên và sinh viên được thúc đẩy mạnh mẽ; và tạo dựng nên nền tảng của kinh tế tri thức thật sự cho Việt Nam.
Trong trường hợp chú Hà cần thêm chia xẻ nào hoặc thấy những nội dung nào mà cháu có thể đóng góp, cháu rất vui được tham gia Chương trình, đặc biệt là trong việc xây dựng phát triển nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển thị trường để thương mại hóa các nghiên cứu tại các trường đại học.
Mong sớm nhận được phản hồi của chú, và hy vọng, cháu có thể tham gia Chương trình, của Bộ KH-CN hay DHKHXH-NV/VNU.
Trân trọng,
Cháu Hương
Nguyễn Thị Lan Hương