Những gì đẹp của gia đình sẽ mãi đi theo với con trẻ và cuộc đời…. Ngày đăng 06/06/2020, 20:37
thế nên xin cầu nguyện cho tất cả, cho những ai biết thương những cha mẹ và gia đình mình, hãy luôn nghĩ đến điều gì là tốt nhất cho con mình, cho tất cả con người.
Tự dựng nhớ đến những món ăn Ông Ngoại, Bà ngoại và bố cho mình ăn…Nhớ đến cảnh bố đưa con đi ăn và dấu vợ cho con tiền mua sách! Hà nội với những kỷ niệm không bao giờ quên! Và đúng là tại sao mình lại cũng luôn mong điều tốt nhất cho con mình, cháu mình và cho con trẻ? Bởi ở đấy, không chỉ là tình yêu thương, đó là cuộc sống của chúng ta được phát triển, được nhìn thấy con cháu mình tử tế và hạnh phúc, dù nó cũng chỉ là một người bình thường như bao người…Những gì vĩ đại của những điều giản dị hóa ra có khi lại chỉ là những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu; những gì của bố mẹ và gia đình để lại cho con cháu, với những lời khuyên dạy đi theo năm tháng.
Nếu nhìn từ gia đình đến giáo dục ở xã hội và đại học, hầu hết đều dễ dàng nói rằng, “Chúng ta cần có hệ thống giáo dục tốt”, nhưng có phải ai cũng may mắn để có được tuổi thơ và những điều đẹp đẽ để học, để nhớ? Và trước khi muốn con trẻ học làm người có tri thức trong hệ thống giáo dục, điều gì của chính xã hội, cùng với gia đình có thể giúp cho giáo viên và nhà trường ‘dạy” một cách tốt hơn? Mà không chỉ thuần túy về tri thức?
Ở Seattle, khi đến thăm một Foundation nổi tiếng về giáo dục, tôi có để lại lời cầu nguyện, “Xin hãy đừng để con trẻ và giáo viên cô đơn trong chính lớp học của mình, trong chính xã hội của mình”
Nghề giáo đã và đang trở thành một gánh nặng cho những ai đang làm; họ, ở mỹ, nhận được lương ở mức thấp nhất và được đào tạo thiếu/yếu nhất (Marc Tucker, Điểm yếu nhất trong hệ thống đại học chính là đào tạo giáo viên)…dù chả ai biết rõ cái “chuẩn hóa” giáo viên và đào tạo đó nó thuộc về điều gì, bởi có lẽ từ chuẩn hóa thi cử, chuẩn hóa đào tạo giáo viên đã và đang dẫn đến những gì là yếu kém trong giáo dục hiện nay (Diana Ravitch)
Thế nên, nếu chúng ta “thương” con trẻ và giáo viên, chúng ta phải biết nghĩ bằng cách nào, để họ không cô đơn trong lớp học, trong chương trình, và trong mọi hoạt động hạn chế tự do sáng tạo của học sinh và giáo viên. Tự do, nghe dễ mà lại khó, bởi ai cũng muốn chứng minh mình có quyền với con trẻ, với người khác, mà quên mất rằng, bản chất tự nhiên của con người là phản kháng lại những gì bị “áp đặt”.
Để chia xẻ sự cô đơn với giáo viên và học sinh cấp nhỏ, cách thức tổ chức sao cho sinh viên và giáo viên đại học cùng học và chia xẻ với giáo viên và học sinh phổ thông; cùng với hỗ trợ từ cộng đồng, điều tôi “mơ ước “ trong kế hoạch của Boston Care. Students Success mà nay đã được chuyển sang thành Saigon Care. Students Success.
Nói dễ, nói to càng dễ, nhưng để tìm đến mô hình thế nào; cách tổ chức ra sao để hiệu quả không phải về tri thức, mà tính chia xẻ của những người có tri thức nhiều hơn với những người ít hơn…tình người trong cộng đồng, sự quan tâm của những thế hệ học sinh đi trước với thế hệ đi sau; và hơn hết, để chấm dứt việc học thêm dạy thêm của giáo dục Việt Nam. Khi những đứa trẻ được học và hưởng thụ cuộc đời mà chúng xứng đáng được hưởng, đó là tuổi thơ đẹp cho cả một đời, việc học bổ sung dành cho những học sinh nào cần sẽ được chính sinh viên đại học đi đến từng trường/lớp giúp đỡ.
Điều nói ra thì to tát, cải cách GD; nhưng bản chất cơ bản, giúp đỡ và chia xẻ ngay trong từng cộng đồng; đảm bảo cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, những gia đình khó khăn và phụ huynh “thoát” khỏi tình cảnh học thêm và trả học phí gấp nhiều lần so với tiền học chính thức.
Giáo dục, dù chúng ta nói khuyến khích giáo dục tư, bản chất vẫn phải phục vụ mục đích lợi ích công – lợi ích dài hạn của không chỉ cá nhân người học, mà phải là của tất cả thành viên trong xã hội. Nhất là của những ai đang yếu thế và không có cơ hội. Nếu không, khoảng cách giàu – nghèo; khoảng cách bất bình đẳng và những nguy cơ đổ vỡ xã hội do những bất an bởi những khủng hoảng xã hội ngày càng nghiêm trọng sẽ chỉ kéo lùi tiến bộ của xã hội mà thôi.
Xin được an bình cho con trẻ, xin được để cho tất cả được sống và làm người đúng nghĩa.
Học làm người, thật khó! Cũng giống như xây dựng xã hội dân chủ thực sự, cũng thật khó!