Samsun Web Tasarim Polis malzemeleri Samsun ilaçlama Samsun çilingir farmasi üye ol Farmasi katalog Samsun atakum çilingir farmasi direktör Farmasi üye ol hacklink hacklink

Nguyễn Hiến Lê và cải cách giáo dục Việt nam
Ngày đăng 06/06/2020, 19:02

Nguyễn Hiến Lê và cải cách giáo dục Việt nam

Nguyễn Thị Lan Hương
NEWASIA GLOBAL LEARNING
 

Sau hơn 40 năm học ở trong nước và nước ngoài, đọc lại những sách của Nguyễn Hiến Lê và suy nghĩ về những cải cách giáo dục của Việt nam hơn 30 năm qua, dường như chúng ta nói “cải cách” là để tìm ra con đường đúng cho giáo dục, mà với Việt nam, có lẽ nó được ghi chép đầy đủ từ những thế hệ trước đây, Nguyễn Hiến Lê là một ví dụ.

Nhân chúng ta bàn nhau về cải cách giáo dục mới ở Việt nam [1], dự kiến từ 2019/2020, trong đó có nói đến những điểm chính như:
  1. Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa
  2. Nâng cao chất lượng giáo viên, nâng chuẩn giáo viên
  3. Thay đổi phương pháp tiếp cận giáo dục, thay vì nhồi nhét tri thức thì giờ này, chuyển sang tập trung phát triển kỹ năng và năng lực, nhằm tạo ra những con người biết sáng tạo và tự lực học tập
Và còn nhiều nữa, trong cải tổ hệ thống cấu trúc và quan hệ giữa các chủ thể trong giáo dục, giữa giáo viên và học trò, giữa giáo viên và quản trị trường lớp, giữa cha mẹ và xã hội với giáo dục.

Khi đọc lại một trong rất nhiều cuốn Nguyễn Hiến Lê viết trong thời kỳ 1950 – 1995 “Tự học – một nhu cầu của thời đại” [2], với mục đích Học Làm Người, có lẽ hầu hết những gì chúng ta nói vào thời đại này (thế kỷ 21), ông đã nói đến từ những năm 1950, và đương nhiên, trước đó nữa, là những nhà nghiên cứu khắp các nước trên thế giới. 

Điều này không có gì lạ, bởi nếu ai đọc kỹ lại lịch sử giáo dục, hầu hết chúng ta đều phát triển “vòng xoáy trôn ốc”, dựa trên nền tảng tri thức của những thế hệ trước, và tìm kiếm giá trị, nhận định của thời đại mới, thế hệ mới, như một phần đóng góp thêm vào hệ thống tri thức nhân loại.  

Một ví dụ nhỏ, trong cuốn Chống lại Chủ Nghĩa Tri Thức ở đời sống Mỹ (Anti-Intellectualism in American Life), Richard Hofstadter (1963), đều đưa các trích dẫn về nguyên lý giáo dục đại trà, phổ thông của nước Mỹ xuất phát từ thời Abraham Lincohn (1863) [3], như thế này:

Nếu có một việc duy nhất đáng làm ở nước Mỹ này, đó là việc giáo dục cho thật tốt tất cả những đứa trẻ…
bởi, theo Lincoln

“Những gì được giảng dạy trong trường lớp hôm nay, đó là nguyên lý sống của lãnh đạo đất nước sau này” [4]

Và Hofstadter trích dẫn những sai lầm cơ bản, sai lầm “vì chống lại tri thức” trong đời sống của những người, khi làm giáo dục, là người tri thức thì rất tuyệt vời, nhưng khi họ chuyển sang hoạt động “chính trị”, chúng ta đã và đang ‘sản sinh ra thế hệ những con người chỉ là ½ con người”.  Với Hofstadter, để không lặp lại việc giáo dục chỉ đào tạo ra ½ con người, đó là chúng ta cần tôn trọng đứa trẻ, người học, và giáo viên, người dạy, và trên mọi điều, hãy để họ là con người tự do trong học tập, trong đam mê cuộc sống học và dạy của họ!  Ông trích dẫn đến John Dewey, một trong những nhà giáo và tư tưởng lớn trong cải cách giáo dục ở Mỹ thế kỷ 20, với quan điểm, “Xin đừng tác động, xin đừng mang những gì của người lớn áp đặt vào con trẻ và gọi đấy là giáo dục”.  Giáo dục, với nhiều người thời đại Tiến Bộ (Progressive), họ coi việc học là con đường tìm kiếm tự do cho bản thân người học, với phương thức người thầy chỉ dẫn, hướng đạo và để người học tìm được đam mê, tìm được điều có giá trị và tự mình tìm ra sự thật, điều gì làm mình mong muốn học, học mãi…

Tất cả những gì tôi đọc được từ giáo dục ở nước Mỹ, Nguyễn Hiến Lê cũng đã đọc và viết lại cho chúng ta từ những năm 1950.  

Khi xem lại các sách giáo khoa chương trình mới của Việt nam gần đây, Tiếng Việt và Ngữ Văn, tôi e là hình như, không có chỗ nào chúng ta nói đến ‘Tự học”, hay “Học Làm Người” của Nguyễn Hiến Lê, một người Việt và có trí tuệ đúc kết đủ cả Đông – Tây, làm nền tảng cho giáo dục thế hệ trẻ Việt nam?

Để minh họa rõ một số điểm chúng ta nói “cải cách”, thực tế đã có từ rất lâu nay, mà do chúng ta đi lòng vòng, và cái này phải nói rất rõ, chúng ta cũng mắc bệnh “Âu hóa” [5] như trong cuốn Số Đỏ mô tả, cái gì cũng dựa vào “nước ngoài làm gì cũng đúng”, mà thiếu đặt câu hỏi, nó đúng cho giáo dục Việt nam ở điểm gì?

Những điểm cơ bản trong cuốn Tự học của Nguyễn Hiến Lê:
  1. Tư tưởng về học là suốt đời
  2. Phương pháp giảng dạy: nhớ “nhai lại” khác với dạy “tự suy nghĩ”
  3. Giáo dục toàn diện, trong đó có tri thức, đạo đức làm người và thể lực
  4. Viết sách giáo khoa: cho ai và ai viết?
  5. Đọc sách – một phương pháp tự học không quá tốn tiền và chương trình phát triển đọc sách toàn dân
  6. Phương pháp đọc, nhận xét và phân tích
  7. Cân bằng giữa nhìn, nhận xét sự việc và học bằng trái tim
  8. Khoa học là sự thật phải được chứng minh: phải học nghi ngờ
  9. Lý tưởng học tập cho lớp thanh thiếu niên Việt nam: Dân tộc – Khoa học
  10. Học ngoại ngữ và so sánh với tiếng Việt
Tất cả những điểm trên đều đáng để suy ngẫm và đưa vào tư duy làm lại giáo dục Việt nam, nếu chúng ta gọi đó là “cải cách”. 

Tôi lấy ví dụ về việc học suốt đời. Nguyễn Hiến Lê nêu rõ, triết lý này có ở tất cả các thời đại, bởi từ những vĩ nhân, đến những con người cùng khổ, miễn là có niềm ham mê đọc/học, đều có thể học và tự học được. Điều này không phân biệt dựa trên màu da, sắc tộc, trí thông minh các loại, hay tuổi tác. Cho đến nay, điều này vẫn được nhắc lại!

Hay câu chuyện của viết sách giáo khoa, mà chúng ta đang bàn, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.  Nguyễn Hiến Lê nói rõ về việc, trong giáo dục, đâu chỉ là một chương trình hay nhiều sách giáo khoa, vấn đề khơi gợi để khuyến khích học sinh sinh viên tự suy nghĩ thì đó lại là nằm ở việc đặt vấn đề, thách thức học sinh tư duy và tìm các loại sách đa dạng đọc và tìm kiếm những liên kết, những phủ nhận…mà như ông hài hước nói đến, học thì cần thiết thực, nhưng có vô số thứ học “vô ích” lúc này lại hữu ích lúc khác, một hình thức đa dạng hóa tri thức nhằm giúp học sinh có được những góc nhìn khác nhau, độc lập nhận định và tự mình tìm ra điều gì mình tin là đúng, dựa trên tri thức tổng hợp.   

Những điều hay này, không rõ được phản ánh như thế nào vào trong sách giáo khoa của chương trình mới của Việt nam, mà theo tôi đọc trong môn Ngữ Văn, tôi không thấy những giá trị tư tưởng, định hình phương pháp tư duy độc lập cho học sinh trong đó!

Còn dạy về phương pháp học, phương pháp nghiên cứu cho học sinh từ lớp nhỏ đến hết cấp 3 và sau đó nữa, Nguyễn Hiến Lê khuyên một câu rất hay, “Hãy học cách nghi ngờ”, bởi con người chúng ta thường có tính lười, lại hay kính trọng những tên tuổi học giả có tiếng tăm, nhất là trên thế giới, nên hầu hết đều học và tin tưởng vào nó, quên mất tính phản biện và xác minh xem, thực ra họ nói có dẫn chứng đúng hay không? 

Tôi khi đọc đến những phần này, cứ nghĩ đến các đề án cải cách giáo dục của chúng ta, nhất là Đại học Quốc tế Top 100 vào 2020, hay Đề án 2020 về dạy học ngoại ngữ, về những chương trình hợp tác Chương Trình Tiên Tiến trong các đại học khoa học kỹ thuật Việt nam, nhưng chỉ như “từ vệt sáng trở thành đom đóm, khi hết tiền dự án” [6] …để hiểu rằng, chúng ta có lẽ không cần nói nhiều đến cải cách, mà học cách làm giáo dục cho đúng là giáo dục.

Cá nhân tôi xin kiến nghị (điều này đã gửi cho Quốc Hội Việt nam - Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu Niên và Nhi đồng) [7], tư tưởng xuyên suốt cho một thời đại mới trong giáo dục của Việt nam là giáo dục con người, tự do và có trách nhiệm, dựa trên tri thức. 

Để từng bước thực hiện việc này, với ngân sách hạn hẹp trong giáo dục, chi bằng xây dựng những câu lạc bộ sinh viên Nguyễn Hiến Lê trong các đại học cả nước, hướng các lớp thanh niên Việt nam đọc và học cách tự học, tự phấn đấu, theo những gì đã được đúc kết bao năm (và vẫn đúng cho giờ này), rồi hướng dẫn họ đến sinh hoạt với học sinh các cấp phổ thông và cộng đồng để giúp đỡ mọi người cùng học, tạo dựng nên chiến lược ‘Học, Đọc Toàn Dân” mà Nguyễn Hiến Lê khởi xướng từ cách đây gần 70 năm!

Kế hoạch dự kiến về việc này, tôi đã gửi đến Hội Sinh Viên của Đại Học Khoa học Xã Hội Nhân Văn – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh.  Hy vọng có ai ở đó  coi ngó để có thể thực hiện từng phần công việc, tránh việc chúng ta lại chờ 70 năm nữa để viếng thăm lại những ý tưởng của Nguyễn Hiến Lê.

Tài liệu tham khảo:
[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/moi-mon-hoc-se-co-nhieu-bo-sach-giao-khoa-1059983.html; http://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=495; https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-phuong-phap-day-hoc-nham-phat-trien-toan-dien-pham-chat-va-nang-luc-hoc-sinh-3851843.html
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Hi%E1%BA%BFn_L%C3%AA; https://sachvui.com/ebook/tu-hoc-mot-nhu-cau-thoi-dai-nguyen-hien-le.1408.html
[3] https://en.wikipedia.org/wiki/Anti-intellectualism_in_American_Life
[4] https://www.brainyquote.com/quotes/abraham_lincoln_133687
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/S%E1%BB%91_%C4%91%E1%BB%8F
[6] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhieu-chuong-trinh-tien-tien-tu-vet-sang-tro-thanh-dom-dom-349668.html
[7] http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/nhung-thach-thuc-cho-giao-duc-dai-hoc-va-quoc-te-hoa-giao-duc-cua-viet-nam-goc-nhin-cua-nguoi-trong-cuoc.html
Bài viết bạn có thể quan tâm
Tin tức nổi bật
Học “bảo vệ” bản thân thế nào trong thời đại IoT?
Học “bảo vệ” bản thân thế nào trong thời đại IoT?
Nợ và Tương lai của Giáo dục Thế kỷ 21
Nợ và Tương lai của Giáo dục Thế kỷ 21
​NHỮNG THÁCH THỨC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM
NHỮNG THÁCH THỨC CHO GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ QUỐC TẾ HÓA GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM – GÓC NHÌN CỦA “NGƯỜI TRONG CUỘC”
Impacts of library and self-learning by VEF and FETP students to complete programs
Impacts of library and self-learning by VEF and FETP students to complete programs
Chống lại “cái chết” do internet và mạng xã hội ở Việt nam
Chống lại “cái chết” do internet và mạng xã hội ở Việt nam
Chia sẻ nổi bật