Một vài suy nghĩ về đại học nghiên cứu và những hoạt động về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam Ngày đăng 06/06/2020, 19:58
Nguyễn Thị Lan Hương
NEWASIA GLOBAL LEARNING

Trong buổi trao đổi khoa học giữa đại diện của Hội Sở Hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và đại học VNU- Hà nội (DHKHXHNV) ngày 06/03/2020, câu hỏi “Công nghệ và Giáo dục đại học cho thế kỷ 21 này là gì?” được những người tham dự đặt ra.
Có khá nhiều góc nhìn, nhiều ý kiến và nhận thức cho tương lai của công nghệ và giáo dục đại học, trong hơn 30 năm qua và cho tương lai sẽ là thế nào.
Xin được tóm tắt vài câu hỏi chi tiết trong chủ đề này.
Những câu hỏi cơ bản về chủ đề sở hữu trí tuệ; công nghệ và giáo dục đại học đã dẫn đến những câu hỏi tiếp theo như sau:
- Việt Nam sẽ đặt công nghệ lên trước con người và giáo dục hay ngược lại?
- Công nghệ là gì với giáo dục đại học nói riêng và giáo dục nói chung, cho người Việt hiện nay?
- Với lịch sử trí tuệ Việt hơn 4000 năm, chúng ta đã – đang và sẽ khai thác trí tuệ, đối tượng sở hữu trí tuệ trong công nghệ như thế nào?
- Đại học Việt Nam và giáo dục sở hữu trí tuệ
- Tại sao bảo hộ và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cần thiết cho tất cả các cấp giáo dục Việt Nam?
Ngay tại Mỹ, câu hỏi về cuộc đua giữa giáo dục và công nghệ cũng là thách thức; bởi trong thời đại “dữ liệu lớn” được thu thập bởi vài hãng công nghệ, ứng dụng toàn cầu cho hàng tỷ người nhưng lợi ích lại chỉ tập trung vào vài ông chủ sở hữu công nghệ, giáo dục thế nào để công nghệ và các ứng dụng là công cụ phục vụ cho lợi ích của số đông, đặc biệt cho những đối tượng không có lợi thế hay thậm chí, những người bị gạt sang lề của cạnh tranh “thương mại toàn cầu”?
Riêng với Việt Nam, chúng ta luôn tự hào về “truyền thống giáo dục”; và nay, lại ca ngợi về những công nghệ 5G hàng đầu với mục tiêu trở thành “quốc gia mạnh về an ninh mạng”. Câu hỏi có vẻ giản dị hơn cần gửi đến lãnh đạo Việt Nam là “Ai sẽ giúp Việt Nam thành quốc gia mạnh về an ninh mạng?” khi hơn 60 triệu người Việt dùng internet hàng ngày, nhưng dữ liệu cá nhân của họ thì chưa rõ ai sẽ sở hữu; ai sẽ khai thác; và việc dùng internet mà 70% người dùng chỉ để giải trí, thì lợi ích an ninh mạng sẽ nằm ở chỗ nào? Trong khi mỗi khóa đào tạo về an ninh mạng ở 2 đại học quốc gia lớn nhất Việt Nam, mỗi năm đào tạo được vài chục sinh viên và về cơ bản, có thể tốt nghiệp xong lại đi học nước ngoài tiếp hoặc đi làm cho nước ngoài?
Những mục tiêu phát triển, dù là ở góc độ nhân lực về công nghệ - công nghệ cao hay nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ đất nước phát triển kinh tế - xã hội bền vững cũng đang rất thiếu hụt, ngay trong hệ thống đào tạo, dù là bài bản nhất và được xếp hạng thế giới.
Đề cập đến đào tạo nhân lực công nghệ để Việt Nam thành quốc gia mạnh về an ninh mạng chỉ là bắt đầu cho một câu hỏi lớn hơn về giáo dục đại học và sử dụng công nghệ như thế nào, nhằm không chỉ là cập nhật thông tin khoa học và xã hội thời đại internet, mà còn để trả lời cho câu hỏi, chúng ta muốn nhìn đến tương lai của Việt Nam trên bản đồ thế giới tri thức ở đâu?
Chúng ta có thể tự hào về 4000 năm lịch sử đã qua, nhưng 40 năm tới; hay 100 năm tới, công nghệ nào sẽ là tiếp theo? Và nền tảng giáo dục con người nào sẽ là bền vững cho những thế hệ tương lai tiếp tục phát triển, bất chấp công nghệ có thể thay đổi theo thời gian?
Nói đến giáo dục con người trong thời đại công nghệ và ứng dụng internet, những gì là lợi thế để khai thác và triển khai với lợi ích của số đông, dù họ có thể không hiểu biết nhiều về công nghệ?
Đại học sẽ đóng vai trò như thế nào? Sinh viên với nền giáo dục nào sẽ giúp cho công chúng và xã hội thay đổi, hướng đến một cộng đồng có tri thức cập nhật, có hiểu biết về khoa học cơ bản và biết hội nhập với kinh tế - xã hội – chính trị qua những kênh thông tin được cung cấp miễn phí bởi các tổ chức sở hữu trí tuệ - giáo dục và văn hóa quốc tế và Việt Nam?
Năm 1983, Cục sở hữu trí tuệ (Cục Sáng chế) đã được thành lập và phát triển hợp tác quốc tế với Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế giới và các tổ chức giáo dục như UNESCO để mong muốn thúc đẩy tri thức quốc tế được chia xẻ với Việt Nam; và ngược lại, những gì Việt Nam có thể sáng tạo được bảo hộ và phát triển cùng với thế giới. Ý tưởng về đưa những gì thuộc đối tượng sở hữu trí tuệ vào giảng dạy chính thức tại đại học và giáo dục phổ thông cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan ở tất cả các cấp, các địa phương như một phương thức sử dụng khoa học làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đã được thực hiện bởi Cục Sở Hữu Trí Tuệ/Bộ Khoa học Công nghệ từ những năm 1985.
Cho đến nay, những chương trình giáo dục về sở hữu trí tuệ mới được triển khai trong vài chương trình ở một vài đại học. Nhưng với thời đại “công nghệ” giáo dục dựa trên nền tảng internet, trong khi các hoạt động về internet và ứng dụng thuần túy tập trung vào những gì của giáo dục đại học và phổ thông; nhất là để phổ cập tri thức cho cộng đồng? Tác động của internet và mạng xã hội đang thay đổi con người và nhân cách như thế nào, bên cạnh vấn đề của nền kinh tế đang chuyển đổi sang thị trường trong giáo dục và các dịch vụ “lợi ích công” dành cho số đông?
Nói đến công nghệ và giáo dục, mà nhìn đến những thử nghiệm kéo dài, sẽ đưa nền giáo dục Việt và con người Việt đi đến đâu, nếu nhìn từ hoạt động của Intel và các tập đoàn công nghệ thông tin được coi là hàng đầu của Việt Nam và thế giới đang kinh doanh tại Việt Nam và thế giới? Những vấn nạn của fake (hàng hóa/dịch vụ) giả, nay được nhân rộng qua internet; thậm chí cả giáo dục “giả”; kém chất lượng sẽ kiểm soát thế nào? Những quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế để thúc đẩy sáng tạo và bảo hộ sáng tạo; nhưng vì lợi ích của con người và số đông yếu thế không có cơ hội tạo ra sự cạnh tranh do bởi những yếu thế về địa vị và năng lực tiếp cận lợi ích về giáo dục và kinh tế sẽ được giải quyết như thế nào?
Tất cả những điều trên đều đang chỉ là câu hỏi chưa có lời giải chính thức dựa trên nền tảng khoa học, dẫu Việt Nam cũng có vài nghiên cứu đánh giá tác động của internet với học sinh sinh viên hay thay đổi xã hội; nhất là khi những nhà lãnh đạo của một số ngành công nghệ truyền thông có “niềm tin” vào nền tảng thay đổi xã hội Việt hướng đến quốc gia hàng đầu về phần mềm mà phát triển hơn 30 năm qua; cùng với ước mơ “Make It”, khi nền tảng giáo dục sáng tạo và tự do sáng tạo với các chỉ số về sở hữu trí tuệ, nhất là trong các lĩnh vực sáng chế và giải pháp hữu ích của người Việt thấp gần nhất thế giới; chưa nói đến năng lực dự báo tương lai và thông tin thị trường kinh tế Việt Nam hay thế giới cũng còn nhiều hạn chế.
Chúng ta đặt câu hỏi về 2030 hay 2045, Việt Nam là gì trên thế giới. Liệu có thể bắt đầu câu hỏi, những ai; những tổ chức nào; những kế hoạch nào; sẽ trả lời những câu hỏi trên đây liên quan đến giáo dục đào tạo con người và dựa trên sức mạnh công nghệ nào?
Nên chăng có thể bắt đầu bằng đưa giáo dục sở hữu trí tuệ vào đại học và các cấp học như một bước đi ban đầu để nâng cao năng lực tri thức và khai thác khoa học phục vụ cho hiểu biết và ứng dụng giải quyết những gì cần thiết của đời sống hàng ngày; tạo dựng nền tảng cho một xã hội/con người có tri thức và dựa trên khoa học để phát triển đời sống bền vững?