Đề xuất về Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế hóa Giáo dục Việt Nam Ngày đăng 25/05/2017, 22:57
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Kính gửi : Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ Giáo dục và Đào tạo – Việt nam
Tôi là Nguyễn Lan Hương, nghiên cứu sinh (theo diện tự túc) tại Mỹ chuyên ngành về quản lý giáo dục và nghiên cứu chuyên sâu là về quốc tế hóa giáo dục (internationalization of higher education).
Sau hơn hai năm học tập tại Mỹ, xin có một số suy nghĩ sau mong được chia xẻ với Quý Lãnh đạo, với hy vọng có thể được cân nhắc xem xét ứng dụng cho hoạt động quản lý và chính sách phát triển giáo dục Việt nam, đặc biệt cho cấp phổ thông trung học và đại học
- Quốc tế hóa chương trình học tập của các cấp càng sớm càng tốt
- Xây dựng và khuyến khích văn hóa tự học thông qua các chương trình online miễn phí mà Mỹ và các nước đang cung cấp trực tuyến
- Xem xét lại chính sách về quản lý giáo dục, mục tiêu của giáo dục và quốc tế hóa chương trình giáo dục nhằm mục đích đào tạo cho được năng lực làm việc toàn cầu cho người Việt nam
- Tiếng Anh phổ cập ở tất cả các cấp, chú trọng đến cấp học từ tiểu học, vì theo nghiên cứu về giáo dục sớm của Mỹ, với trẻ học tiếng Anh trước 12 tuổi sẽ có khả năng học tốt nhất. Nên khuyến khích tất cả các em học sinh ở tất cả các cấp tự học tiếng Anh qua truyển hình, radio hoặc online với những chương trình cụ thể. Nên bỏ thi tiếng Anh để xét tốt nghiệp đại học, vì dù có TOEIC bao nhiêu mà học sinh Việt nam không giao tiếp được băng tiếng Anh thì bằng TOEIC không có ý nghĩa.
- Quốc tế hóa chương trình học ở các cấp có 2 mục tiêu chính: một là học theo chuẩn mực và phương pháp mà thế giới đang đi theo, hai là để đảm bảo Việt nam không học khác quá xa với những nội dung mà các nước khác đang giảng dạy. Thực tế nội dung chương trình học của Mỹ hoặc của Anh, Úc và một số nước phát triển đều đã được đưa lên mạng online để minh bạch hóa chương trình học, và đồng thời lấy ý kiến để hiệu chỉnh chương trình học của tất cả các cấp từ khá lâu. Ở Việt nam hiện nay, các trường gọi tên là quốc tế (đặc biệt từ cấp mầm non – cấp 3 và kể cả là đại học), bản chất chương trình là họ đều lấy nội dung được công bố trên website của các nước, mang về dạy lại ở Việt nam. Vậy, tại sao chúng ta không thiết lập một cơ chế sàng lọc để lấy nội dung chính của nước ngoài đang giảng dạy về dạy cho học sinh Việt nam?
- Trên thế giới hiện nay và hơn 20 năm qua, học tập trực tuyến và miễn phí nhằm nâng cao năng lực học tập của toàn dân, toàn xã hội không còn là một điều mới nữa. Những chương trình học từ các giáo sư và đại học nổi tiếng, HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ, đã rất phổ cập ở Mỹ và Anh. Câu chuyện của Việt nam là chúng ta có một lực lượng trẻ đang sử dụng smartphone hoặc online mà KHÔNG CHO MỤC TIÊU HỌC TẬP. Chúng ta cần xây dựng một văn hóa học tập cho tât cả nhằm mục tiêu nâng cao năng lực học và kỹ năng lao động mang tầm quốc tế. Điều này hoàn toàn có thể làm được khi (i) Chính phủ và các cơ quan thực sự quan tâm đầu tư (rất ít tiền) cho một nhóm các nhà giáo dục chuyên ngành để xây dựng một cộng đồng học tập online miễn phí cho các sinh viên và học sinh Việt nam; (ii) tất cả giáo viên Việt nam hoàn toàn có thể tự học và sau đó chia xẻ lại với học sinh của mình về những khóa học online miễn phí này; (iii) xây dựng những cuộc thi học và dạy online dựa trên những nguồn tài liệu mở miễn phí của nước ngoài.
- Khuyến khích học tập và nghiên cứu về Việt nam cho tất cả các đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Chúng ta cần tạo ra sự hấp dẫn cho các nhà khoa học và các đại học đến Việt nam để học và nghiên cứu, chuyển đổi từ việc gửi học sinh và giáo sư ra nước ngoài học, thành Việt nam là điểm đến để học và nghiên cứu, làm việc. Để thực hiện được, chúng ta cần xác định rõ lại những chính sách về quản lý giáo dục, mục tiêu giáo dục của chúng ta.
Mặc dù quốc tế hóa giáo dục là một con đường trông rất rõ ràng và là xu hướng đã được khẳng định, những thách thức để làm được không hề nhỏ. Những thách thức cho quá trình quốc tế hóa giáo dục Việt nam gồm:
- Hiểu đúng về quá trình quốc tế hóa giáo dục và kiên định với con đường này. Hãy nhìn Singapore, Malaysia là những nước láng giềng và họ thành công phần nào với chính sách quốc tế hóa giáo dục.
- Xây dựng đội ngũ lãnh đạo và giảng viên có chất lượng, phù hợp với môi trường học và dạy mang tính quốc tế cao. Ở hầu hết các nước phát triển, ngay cả Mỹ, việc thiếu hụt giáo viên tâm huyết và có chất lượng cao là một yếu tố căn bản cản trở quá trình dạy và học tốt của các học sinh sinh viên. Chính vì vậy, mô hình đào tạo giáo viên tốt của Singapore, Phần Lan trong đó tập trung vào 2 điều cơ bản: tuyển sinh vào ngành giáo dục những sinh viên giỏi và trả lương tốt hiện đang được nghiên cứu triển khai ở nhiều nước khác.
- Cấu trúc chương trình học và vai trò của công nghệ tiên tiến trong việc xây dựng mô hình học tập mới theo xu hướng công nghệ hóa giáo dục đào tạo hiện là những chủ đề chính của giáo dục. Các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Google hiện đều tham gia trực tiếp vào đầu tư giáo dục tại Mỹ, nhằm thúc đẩy quá trình học và dạy gắn liền với công nghệ tiên tiến.
- Gắn học tập, giảng dạy với phát triển nghề nghiệp và thị trường lao động từ rất sớm (cấp 3). Điều này đòi hỏi nhà trường, giáo viên và học sinh sớm có ý thức học để làm việc, học đế đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Ở Mỹ, giáo trình học tập của đại học hiện được nghiên cứu để thỏa mãn được yêu cầu của người sử dụng lao động. Việc phải đảm bảo dạy những kỹ năng và kiến thức thiết yếu mà thị trường lao động đòi hỏi buộc nhà trường và giáo viên phải có tư duy và nắm bắt thị trường lao động thực tế, không thể dạy những thứ mà xã hội không còn cần nữa. Điều này vô cùng thách thức cho giáo viên khi họ muốn mang kiến thức của thị trường, xã hội và toàn cầu vào lớp học.
Với tư cách là nghiên cứu sinh và hiện đang làm trợ lý tình nguyện cho Hiệp Hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt nam, tôi xin đề xuất xây dựng một trung tâm nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục Việt nam, trong đó tập trung vào 7 điểm chính:
- Thông tin về quốc tế hóa giáo dục toàn cầu cho các cơ quan quản lý NN, đặc biệt là cho Bộ GD và cho lãnh đạo các trường đại học của Việt nam;
- Thông tin về các hoạt động quốc tế hóa giáo dục tại các trường của Việt nam;
- Các dự án về quốc tế hóa giáo dục Việt nam, ví dụ như (i) khai thác các giáo trình mở của quốc tế đưa vào chương trình dạy và học của Việt nam; (ii) khai thác các chương trình đào tạo online miễn phí của quốc tế để tạo nên cộng đồng học tập MOOC Việt nam; (iii) khai thác các chương trình đào tạo nâng cao cho giáo viên ; (iv) xây dựng chương trình để được công nhận các chương trình và trường đạt chuẩn của khu vực, của Mỹ, Châu Âu hoặc Úc..
- Xây dựng, tổng hợp và nghiên cứu các nguồn dữ liệu về quốc tế hóa giáo dục [khai thác các nguồn mở đã có sẵn và hợp tác chia xẻ nguồn dữ liệu với 4 trung tâm nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục lớn trên thế giới]
- Thực hiện nghiên cứu hiện trạng quốc tế hóa giáo dục ở cấp đại học và cấp 3 của Việt nam, kêu gọi các đại học và giáo sư chuyên ngành về quốc tế hóa giáo dục hợp tác nghiên cứu về giáo dục Việt nam, nhằm tạo ra quan hệ quốc tế cho trung tâm nghiên cứu và đồng thời thu hút chất xám của thế giới nghiên cứu về Việt nam
- Đào tạo cho lãnh đạo và giáo viên các đại học và các trường của Việt nam, nhằm tạo ra những lãnh đạo dám đổi mới và có kiến thức quốc tế về giáo dục, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa từ cơ sở giáo dục
- Tham gia là thành viên của 5 tổ chức quốc tế về giáo dục toàn cầu, nhằm có nguồn thông tin được cập nhật và có thể khai thác những xu thế mới của thế giới với Việt nam. Xây dựng quan hệ chiến lược với từng châu lục để từng bước mở rộng quan hệ trao đổi học sinh sinh viên và giáo sự giữa các nước với Việt nam.
Kính mong Bộ Trưởng và Chủ Tịch Hiệp Hội ĐHCĐ xem xét. Nếu cần thêm bất kỳ thông tin nào hoặc có thể đóng góp được gì cho hoạt động quốc tế hóa giáo dục Việt nam, tôi rất sẵn sàng chia xẻ và đóng góp.
Kính thư,
Nguyễn Lan Hương
Nghiên cứu sinh Giáo dục
T + 090 3 000 140
E + huong.newasia@gmail.com