Đại học thời “đại dịch” Ngày đăng 06/06/2020, 19:48
Nguyễn Thị Lan Hương
NEWASIA GLOBAL LEARNING

[https://www.chronicle.com/article/The-Hard-Choices-Presidents/248423; Những lựa chọn khó khăn Chủ Tịch phải quyết định]
Trong thời “cách ly” xã hội này, không thấy báo chí Việt nam đề cập gì đến những quyết định nào; những ảnh hưởng nào; những vấn đề gì phát sinh cho đại học và sinh viên. Tôi được bạn bè chia xẻ về việc chuyển sang dạy và học qua internet; miễn phí và thử nghiệm xem dạy và học thế nào; nhưng cũng không hề nghe thấy ai nói đến việc hệ lụy của những việc thử nghiệm dạy và học online này sẽ đào tạo ra những thế hệ tương lai thế nào; chất lượng ra sao, khi những yếu tố cơ bản nhất về đảm bảo chất lượng cho dạy, học và nghiên cứu của sinh viên trong thời gian này hầu như rất hạn chế; chưa tính đến cắt giảm ngân sách và nhân sự ở hầu hết các đại học.
Thế nên, mới thấy báo chí Mỹ về giáo dục có tính cởi mở của họ, khi đăng tải những thông tin (dù không rõ là phục vụ những mục tiêu gì) về thực trạng hiện tại của đại học và các vấn đề thách thức mà các đại học phải đối mặt.
Theo Chronicle, các đại học phải đối mặt với việc cắt giảm nhân sự (45%); chuyển đổi nhân sự hiện họ sang bán thời gian (30%) và thậm chí tạm ngưng không tuyển dụng nhân sự (83%) [xin xem bảng chụp từ báo Chronicle với đường dẫn kèm theo]
Thách thức với đại học nói chung và đại học Mỹ nói riêng, liệu có phải là vấn đề ngân sách; hay vấn đề bế tắc chưa tìm ra được cách tiếp cận với giáo dục cho phù hợp với thách thức về “tài chính” kéo dài hơn 3 thập kỷ qua?
Với mấy năm trải nghiệm về nghiên cứu giáo dục đại học Mỹ và cấu trúc kinh tế (tài chính) – chính trị - ảnh hưởng của thay đổi tỷ lệ dân số và nguồn thu nhập của xã hội Mỹ, tôi hiểu rằng những quyết định khó khăn mà đại học Mỹ nói chung cần cân nhắc giải quyết, không chỉ thuần túy vấn đề của giáo dục đại học, của chuyển đổi nền kinh tế sang “online” hay dạy và học qua internet; mà cơ bản nhất, đó là vấn đề của bất bình đẳng trong cơ hội học và làm việc để phát triển và chuyển đổi các vị trí, tạo dựng nên các tầng lớp xã hội mới, điều mà Galbreith (Harvard) đề cập đến từ năm 1958 [1]
Đại học Việt nam, cũng đối mặt tương tự những thách thức của đại học Mỹ, và với chất lượng giáo dục có khoảng cách xa hơn nhiều so với thế giới và châu Á, cả về năng lực giảng dạy – nghiên cứu và các hỗ trợ cho sinh viên học tập. Việc Việt nam cũng chạy theo những hình thức giáo dục online mà không hề biết rõ khả năng phát triển năng lực học tập của sinh viên ra sao; những gì thúc đẩy khả năng học qua online mà không làm giảm chất lượng dạy/học/nghiên cứu, thì câu hỏi cho giáo dục đại học Việt nam sẽ là, chúng ta có những thế hệ nhân lực nào cho tương lai, với nền giáo dục đào tạo online mà chả có gì để đảm bảo chất lượng?
Cá nhân tôi đi theo quan điểm của Harvard, “Making Caring Common” [2], Hãy làm cho sự tử tế, quan tâm và chia xẻ lẫn nhau được phát triển, trong giáo dục, dù đó là đại học hay các hoạt động khác. Việc đặt sinh viên và chất lượng giảng dạy/nghiên cứu cho sinh viên nhằm hướng đến một tương lai thực sự hữu ích cho từng cá nhân và cộng đồng, đòi hỏi không phải vì “đại dịch” mà cách ly và sử dụng internet/giáo dục online như một phương thức duy nhất để giải quyết các thách thức trong giáo dục đại học. Bởi đơn giản là trong lịch sử thế giới, vô số đại dịch, vô số thách thức thời đại đã đặt ra và điều giúp cho con người phát triển theo hướng tiến bộ không phải do chính sách cách ly; và xã hội con người cũng không thể chỉ giao tiếp và học tập hay làm việc qua internet, trong một thời gian dài.
Nếu giáo dục đại học qua online không minh chứng được tính hữu ích và giúp cho đào tạo con người phục vụ cho tiến bộ xã hội ngay kể cả trước thời đại dịch, tại sao lại sử dụng và phát triển mở rộng? Tại sao chúng ta không hỏi ngay thời điểm này, rằng công nghệ và ứng dụng internet sẽ giúp chấm dứt đại dịch thế nào, để hiểu rõ hơn về vai trò của công nghệ qua internet và sức mạnh của tri thức, sức mạnh của tập thể con người, điều gì sẽ lãnh đạo quá trình chuyển đổi xã hội?
Tài liệu tham khảo: