“Chỉ khi kinh tế tư nhân phát triển mới có dân giàu, nước mạnh” Ngày đăng 06/06/2020, 18:57
– Một nửa của sự thật?
Nguyễn Thị Lan Hương
NEWASIA GLOBAL LEARNING

[Cái chết và sự sống của hệ thống Trường Học Mỹ Vĩ Đại – Làm thế nào hệ thống kiểm tra và lựa chọn đã làm “chết” hệ thống giáo dục Mỹ - Diana Ravitch]
Tư nhân, dân giàu và nước mạnh: Nhìn từ giáo dục Mỹ và xã hội Mỹ
Nói đến hệ thống kinh tế tư nhân, không nói đến Mỹ có nghĩa là chả hiểu gì về nguồn gốc của tư nhân, tư bản và hiện đại hóa xã hội trong mấy thế kỷ gần đây. Nên để thử bàn về tư nhân, dân giàu và nước mạnh, lấy Mỹ làm ví dụ rất điển hình cho hệ thống xã hội khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, mà đúng hơn là kinh tế tư bản. Vì tôi nghiên cứu về giáo dục, nên xin được bàn vấn đề này dưới góc độ giáo dục và con người xã hội.
Trong cuốn sách trên của Diana Ravitch [1], một trợ lý bộ trưởng giáo dục dưới thời tổng thống Mỹ Bush (cha), bà có đề cập đến khái niệm “Câu lạc bộ những chàng trai tỷ phú và Cải cách giáo dục” [2] (Billionaire Boys Club and Education Reform), nói đến thực trạng của nước Mỹ trong hơn 20 năm qua: những nhà giàu có, những thế lực chính trị bắt tay nhau làm “cải cách giáo dục”, nhằm “ăn cắp trắng trợn tiền từ người đóng thuế cho giáo dục chuyển sang tư nhân”, thông qua việc phát triển chặt chẽ hệ thống “thi chuẩn hóa”, đánh giá giáo viên và trường học qua điểm thi của học sinh, công nghệ hóa các bước trong giáo dục nhưng không hề tính đến sự sáng tạo và tự do học thuật của giáo viên và học sinh, mà cuối cùng, để tư nhân hóa hệ thống giáo dục công của Mỹ [3], dưới một tiền đề “Giáo dục Công đã bị hỏng”.
Không chỉ Ravitch, Giáo sư Linda Darling – Hammond, người vừa được chỉ định vào chức vụ Thành viên lãnh đạo giáo dục bang California [4], từ năm 2010 có cuốn “Thế giới phẳng và Giáo dục: Liệu nước Mỹ giữ cam kết của mình như thế nào với sự công bằng trong học tập sẽ quyết định tương lai của chúng ta” [5], trong đó Darling – Hammond đã phân tích rõ đến từng yếu tố “thế nào là công bằng trong giáo dục và học tập” ở Mỹ, khi những trường nghèo khó, phục vụ học sinh gia đình nghèo và xuất phát từ da màu, gia đình nhập cư, hầu như đều có khoảng cách khá xa so với những trường ở khu vực gia đình thu nhập cao. Chúng ta có 2 hay 3 nước Mỹ, nếu nhìn từ giáo dục và sự phân loại chất lượng giáo dục!
Riêng với dân da màu ở Mỹ, bài viết phân tích nổi tiếng của Gloria J. Ladson-Billings, chủ tịch AERA 2005/06 (Hiệp hội Giáo dục và Nghiên cứu Giáo dục của Mỹ), đề cập đến “món nợ đạo đức hàng thập kỷ của nước Mỹ, chính phủ Mỹ, với những thế hệ học sinh da màu, đặc biệt là học sinh Mỹ gốc Phi” [6], cũng để nói đến một nước Mỹ với những phân loại công dân, dù từ học sinh phổ thông!
Tất cả những thực trạng trên về giáo dục công của Mỹ, nơi đào tạo hơn 90% học sinh phổ thông của Mỹ, đều gắn chặt với 2 vấn đề cơ bản của Mỹ:
(i) Ai quản trị, ai lãnh đạo nước Mỹ? Xin được đọc tham chiếu một series cuốn Ai lãnh đạo nước Mỹ [7] , xuất bản từ 1967 – 2017, để nêu rõ về một cuộc đấu tranh giữa hệ thống quản trị vì Xã hội tốt (Public Good) của những người dân, với hệ thống quyền lực kinh tế tập đoàn lớn và chính trị, và kết quả của sự thắng lợi, khi kinh tế tập đoàn lớn giờ đã lấn lướt tất cả (power over states) [8]. Theo đó, thị trường giáo dục công là một miếng bánh thơm quá, không thể bỏ qua và thông qua đó, không chỉ lấy lợi nhuận, họ tính đến những bài toán về ảnh hưởng và can thiệp chính trị, từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học [9]
(ii) Bất bình đẳng kéo dài hàng thập kỷ, gắn liền cùng với toàn cầu hóa tốc độ nhanh, đi cùng với sức mạnh công nghệ và tài chính thuộc về số ít, đã kéo tụt tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và dần dần trở thành “không tăng trưởng” kể từ 1970 đến nay [10]. Theo Robert Gordon, tác giả nghiên cứu về kinh tế và tăng trưởng ở Mỹ, giáo dục đã và đang là một trong 4 nguyên nhân căn bản gây đổ vỡ cân bằng trong xã hội, là chỉ dấu bất bình đẳng ngày càng lớn của xã hội và làm cho kinh tế không tăng trưởng, do chất lượng giáo dục và bất bình đẳng trong xã hội tăng nhanh chưa từng thấy trong hơn 20 năm qua. Điều này được khẳng định rõ trong báo cáo của Gallup về Không Hồi phục – Tăng Trưởng Kinh tế dài hạn của Mỹ [11].
Tư nhân, dân giàu và nước mạnh: Nhìn từ giáo dục và xã hội Việt nam sau hơn 30 năm mở cửa
Khi chúng ta nhìn đến nước Mỹ và giáo dục trên đây, chúng ta có thể tự hỏi, thế chúng ta – Việt nam, thì thế nào? Sự thật thú vị là, có vẻ như chúng ta, thể chế, chính sách và môi trường khác nước Mỹ rất xa, nhưng có nhiều điều, chúng ta cũng giống nước Mỹ, nhất là dưới góc độ về khủng hoảng giáo dục và nhân cách con người.
Nếu tính 1986 là thời điểm Việt nam bắt đầu “mở cửa” (dù thực tế có lẽ nên tính từ năm 1996), chúng ta có hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, hội nhập kinh tế vào thế giới. Rất nhiều điều hay, điều tốt đẹp về kinh tế tăng trưởng và đời sống đa số người dân được thay đổi, xin được miễn trình bày ở đây. Chỉ xin điểm lại mấy nét chính về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực của Việt nam để làm ví dụ đối chiếu sang việc phát triển kinh tế, tư nhân, dân có giàu và nước có mạnh?
(i) Giả dối và bệnh thành tích trong giáo dục – xã hội
Tôi không muốn nhắc đến Người Việt xấu xí [12], mà là một nghiên cứu nghiêm túc về những thói xấu của người Việt, trong đó giả dối là đặc tính (?) mà càng học lên cao, càng giữ vị trí cao, lại càng mắc bệnh nặng![13]
Khi chúng ta thích “dối” và thành tích “ảo”, nó thay đổi bản chất trong giáo dục, bởi chỉ mới gần đây thôi, các đại biểu Quốc hội đề cập đến việc “Tạo sao hồi xưa học sinh có thể học lưu ban 2-3 năm là chuyện thường, mà giờ này, không học sinh nào lưu ban?” [14]
Dẫu cho chúng ta tự hào về thành tích thi quốc tế cao, đạt kết quả PISA cao, nhưng liệu đó là kết quả thật, phản ánh giá trị học thật của học sinh Việt nam? Bởi sẽ giải thích thế nào, khi học lên đại học, hay lúc đi làm, các tổ chức quốc tế đánh giá năng lực lao động của Việt nam thấp gần cuối cùng ở Đông Nam Á? [15]
(ii) Tư duy ngược từ chiến lược giáo dục đến phát triển kinh tế
Tôi ngạc nhiên trước câu hỏi rất hay của Tổng Bí Thư gần đây, “Đất nước sẽ như thế nào vào 2045?” [16] Hay trước đó, nhân Viettel thành công trong việc kết nối băng truyền tải lớn 5G [16], thay đổi lớn về tốc độ kết nối mạng, làm nền tảng cho một thời đại Việt nam “tốc độ”, và trước đây 2 năm, một kế hoạch về Việt nam hướng tới Thịnh Vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân Chủ 2035 [16], tất cả chúng ta đang đều nhìn đến một tương lai rộng mở cho đất nước và kinh tế.
Câu hỏi là, dựa trên nguồn nhân lực nào? Dựa trên nền tảng giáo dục nào?
Nhân phần trước có đề cập đến nước Mỹ, xin được chia xẻ một thực trạng nữa: khoảng cách giữa các vùng miền, bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng là vấn đề của nước Mỹ, với những dẫn chứng từ đường truyền băng rộng và kết nối internet [17].
Nếu điều đó xảy ra ở nước Mỹ, thì Việt nam chúng ta làm gì để tránh 2 vấn nạn lớn: bất bình đẳng trong cơ hội học tập có chất lượng; và khoảng cách quá lớn giữa những trung tâm kinh tế đô thị và những khu vực còn lại của đất nước, qua chính những liên thông băng truyền?
Những điều quan ngại về việc băng truyền lớn, công nghệ giáo dục, làm thế nào để giúp giáo dục và phát triển nhân lực Việt nam thực sự đáp ứng nhu cầu của công việc, không chỉ ở Việt nam mà ở bất kỳ đâu trên thế giới này? Đặc biệt, làm thế nào để hình ảnh kinh tế chúng ta ở đáy “đường cong nụ cười” (theo báo cáo nghiên cứu 10 năm Intel ở Việt nam), sẽ được hiệu chỉnh dưới một góc phát triển mới? [18]
Những chia xẻ về một số tư duy “ngược” trong vấn đề giáo dục của chúng ta, khi chúng ta đặt vấn đề phát triển hạ tầng và kinh tế ưu tiên hơn phát triển giáo dục và nhân lực…xin được tham khảo ở đây [19].
Xin nói rõ, việc sử dụng hạ tầng công nghệ để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao năng lực chất lượng giáo dục là một công việc khẩn chúng ta cần tập trung thực hiện, bởi tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trong công nghệ và giáo dục, đó là thách thức và là cơ hội, nhưng xin đừng quá lạc quan với quan điểm “Công nghệ có thể giải quyết mọi vấn đề trong giáo dục con người”!
(iii) Vai trò của giáo dục tư nhân – giáo dục công trong quá trình phát triển nhân lực
Trong hơn 30 năm mở cửa về kinh tế, có lẽ thành tựu trong hình thành và phát triển hệ thống giáo dục tư nhân ở các cấp là một niềm vui lớn trong quá trình phát triển giáo dục Việt nam. Lịch sử của đại học tư nhân phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt nam như Đại học Thăng Long, và sau này, phía nam là Đại học Hoa Sen, đều là những đại học có uy tín tại Việt nam, về thành tựu đào tạo nhân lực cho đất nước, dù mô hình và số lượng của họ vẫn rất giới hạn.
Với thời gian, trong 400 đại học cao đẳng của Việt nam, chúng ta có khoảng < 20% số này là thuộc sở hữu tư nhân, tương ứng với số lượng sinh viên của Việt nam, giải quyết vấn đề “tiếp cận và cơ hội” học tập cho tất cả các tầng lớp người Việt.
Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi, khi chúng ta nói đến kinh tế tập đoàn tư nhân mạnh làm nền tảng phát triển đất nước, thì vai trò của giáo dục tư nhân sẽ nằm ở đâu? Và trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã nhìn nhận vai trò của giáo dục tư nhân ở đâu? Họ đã làm được gì, trong quá trình phát triển giáo dục Việt nam và nguồn nhân lực của Việt nam?
Xin được nói thẳng ví dụ mà các đại diện Hiệp Hội Các Đại học Cao Đẳng Việt nam hay nói, “Trường dân lập (sau này đổi sang tư nhân) hay trường quan lập?” Những vấn đề của trường tư nhân, ở các cấp, mặc dù họ có nhiều đóng góp trong mở rộng cơ hội học tập, đa dạng hóa lựa chọn cho người học, câu chuyện về chất lượng đào tạo có tương ứng với giá đào tạo (tiền học) là thách thức lớn cho hệ thống trường tư ở Việt nam hiện nay. Thách thức này ở Việt nam, nhưng nó xảy ra ở hầu hết các nước khác, bởi mục đích “kiếm lợi nhuận”, không phụ thuộc vào việc trường có “danh hiệu” phi lợi nhuận hay lợi nhuận!
Với xu hướng “tư nhân hóa” giáo dục công ở phổ thông, tôi hiểu đó không là xu hướng ở Mỹ, bởi sự phản đối từ giáo viên, gia đình và những tổ chức có liên quan. Nhưng với Việt nam, liệu chúng ta, với sự hạn chế về nguồn lực ngân sách cho giáo dục, đặc biệt ở những khu vực khó khăn, những khu vực cần đa dạng hóa giáo dục nhằm tạo điều kiện mở rộng giáo dục, chúng ta sẽ hướng đến nguồn giáo dục tư nhân? Hay nghịch cảnh của Việt nam, là ở ngay những thành phố lớn, nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội kiếm lợi nhuận thì các tập đoàn tư nhân đổ tiền vào đầu tư giáo dục, bên cạnh đầu tư bất động sản và hạ tầng? Còn những khu vực đặc biệt khó khăn, thì cũng chỉ trông vào ngân sách nhà nước?
Liệu có những giải pháp tổng thể nào để giải quyết bài toán: thu hút và thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những khu vực khó khăn và không quá nhiều lợi nhuận? Hay chính sách giữa giáo dục công – tư sẽ dựa trên tư duy: nếu tư nhân làm được, chúng ta để tư nhân thực hiện, và nhà nước sẽ tập trung ngân sách dành cho những khu vực khó khăn?
Tôi không có đủ dữ liệu về kinh tế - xã hội và đầu tư của các tập đoàn tư nhân vào giáo dục nên không thể đưa ra khuyến nghị cụ thể. Tuy nhiên, với quan sát cá nhân tôi tại Mỹ và các nước phát triển, một vấn nạn luôn gặp phải ở hệ thống giáo dục công mà hình như có lẽ chúng ta cũng đang gặp phải: “đó là nước chảy chỗ trũng”, càng ở khu vực khó khăn, càng ít nhận được hỗ trợ, dù đó là từ nguồn ngân sách giáo dục của nhà nước hay tư nhân [20]. Đây là thách thức lớn nhất về bình đẳng trong cơ hội và tiếp cận giáo dục cho tất cả, không chỉ với Việt nam, mà có lẽ với thế giới.
(iv) Những vấn đề giáo dục dành cho khu vực đói nghèo – học sinh dân tộc thiểu số và học sinh khuyết tật
Đây là thách thức dài hạn cho Việt nam, bởi khi chúng ta càng nói nhiều về chỉ số tăng trưởng GDP, tôi mong chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa về giáo dục dành cho khu vực đói nghèo, giáo dục dân tộc thiểu số và hỗ trợ cho học sinh khuyết tật, nhất là cho trường tư nhân dạy trẻ khuyết tật.
Mặc dù tôi rất trân trọng những thành tựu chúng ta đạt được trong những hoạt động giúp đỡ và phát triển giáo dục dành cho khu vực đói nghèo hay đặc biệt đói nghèo (Chương trình Nâng Bước Em đến trường), hay mức lương dành cho giáo viên dạy cho trẻ khuyết tật, tuy nhiên, hầu hết các báo cáo được công bố công khai đều rất chung về những giải pháp dành cho những khu vực hay những con người được coi là “yếu thế” trong xã hội.
Trong giáo dục những đối tượng trên, điều quan trọng nhất là nguồn nhân lực – giáo viên giảng dạy, bằng ngôn ngữ dân tộc hay bằng giáo dục đặc biệt (dành cho trẻ khuyết tật) đều thiếu nghiêm trọng, chưa tính đến cơ sở vật chất rất đặc thù đòi hỏi.
Chúng ta khi nào có thể giải quyết được vấn đề này? Hay ít nhất, có kế hoạch và lộ trình hợp lý để đảm bảo chúng ta không mắc “nợ đạo đức” đối với những thế hệ sau này, bởi những điều chúng ta đã không làm hay không làm được tốt nhất cho trẻ em ở những khu vực, những dân tộc thiểu số có khó khăn…
Những mảng “xương” này, liệu kinh tế tư nhân có nhảy vào làm?
Dân giàu, nước mạnh là điều đúng. Nhưng xin hãy làm sao, để dân giàu là đa số dân Việt, chứ đừng chỉ liệt kê vài tên trên chục tập đoàn tư nhân và nói họ là đại diện cho nhân dân Việt!
Xin hãy nhắc các tập đoàn tư nhân Việt, câu nói ngàn đời của người Việt “lá lành đùm lá rách”, nếu họ thực sự vì đất nước và vì nhân dân, họ hãy làm ăn trung thực, đạo đức và vì lợi ích của đa số nhân dân, chứ không chỉ vì lợi ích của cổ đông. Đừng lấy quan hệ thân hữu với quan chức để kinh doanh và chèn ép những người dân kinh doanh nhỏ lẻ, không có chỗ nào để bấu víu vào.
Cũng mong cho đất nước, 2045, một đất nước với người dân được sống đúng như Hồ Chí Minh đã viết trong Tuyên Ngôn thành lập nước Việt nam Dân Chủ Cộng hòa (1945) [21], “Độc lập - Tự do – Hạnh phúc” đích thực.
Tài liệu tham khảo:
(*)https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/chi-khi-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-moi-co-dan-giau-nuoc-manh-533536.html
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Diane_Ravitch
[2] https://www.washingtonpost.com/; https://www.seattletimes.com/entertainment/books/the-death-and-life-of-the-great-american-school-system-an-indictment-of-standardized-testing-and-school-choice/
[3] Reign of Error: The Hoax of the Privatization Movement and the Danger to America's Public Schools, 2013, Diana Ravitch
[4] https://learningpolicyinstitute.org/person/linda-darling-hammond
[5] https://www.amazon.com/Flat-World-Education-Commitment-Multicultural/dp/0807749621
[6] https://en.wikipedia.org/wiki/Gloria_Ladson-Billings; From the Achievement Gap to the Education Debt: Understanding Achievement in U.S. Schools, Gloria Ladson-Billings, https://www.jstor.org/stable/3876731?seq=1#page_scan_tab_contents
[7] https://en.wikipedia.org/wiki/Who_Rules_America%3F
[8] https://www.ips-journal.eu/regions/global/article/show/are-multinationals-eclipsing-nation-states-3245/; Global Inequality: A New Approach for the Age of Globalization, 2016, Branko Milano
[9] https://www.acenet.edu/news-room/Documents/Key-Issues-Facing-Higher-Education-Philanthropy-201903.pdf; Derek Bok, Universities in the marketplace. The commercialization of Higher Education (2012); https://www.aspeninstitute.org/blog-posts/have-foundations-wasted-billions-dollars-education-where-s-o/; https://www.chronicle.com/article/Big-Philanthropys-Role-in/131275;
[10] The Rise and Fall of American Growth: The U.S. Standard of Living Since the Civil War (The Princeton Economic Series of the Western World) , Robert J. Gordon;
[11] https://news.gallup.com/reports/198776/no-recovery-analysis-long-term-productivity-decline.aspx
[12] https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/ngan_le_mot_chuyen_nguoi_viet_xau_xi.html
[13] http://www.vanhoahoc.vn/tin-tuc/tin-nha/3054-tran-ngoc-them-benh-ua-thanh-tich-va-benh-gia-doi-trong-giao-duc-rat-nang.html
[14] https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bao-gio-hoc-sinh-moi-co-quyen-luu-ban-post191122.gd; https://plo.vn/thoi-su/ngay-xua-luu-ban-23-nam-la-thuong-835152.html; http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thay-co-giao-bay-gio-khong-dam-nghiem-khac-voi-hoc-sinh_t114c67n148857
[15] https://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=18808
[16] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tu-nhung-cau-hoi-tran-tro-cua-tong-bi-thu-533393.html;
https://vnexpress.net/so-hoa/viettel-trien-khai-lap-dat-tram-5g-dau-tien-tai-viet-nam-3906099.html;
http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/viet-nam-2035-giao-duc-va-nhan-luc-tri-thuc.html
[17] https://www.brookings.edu/longform/closing-the-digital-and-economic-divides-in-rural-america/; https://www.brookings.edu/research/signs-of-digital-distress-mapping-broadband-availability/
[18] https://www.thesaigontimes.vn/154781/Kinhte-Viet-Nam-va-duong-cong-nu-cuoi.html
[19] http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/giao-duc-viet-nam-nguoc-chieu-vun-vut.html; http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/nghi-ve-4-0-va-khong-cham-khong-cua-giao-duc-lam-dong.html
[20] https://www.brookings.edu/opinions/how-to-cut-child-poverty-in-half/?utm_campaign=Brookings%20Brief&utm_source=hs_email&utm_medium=email&utm_content=71387959; https://www.amazon.com/Flat-World-Education-Commitment-Multicultural/dp/0807749621; From the Achievement Gap to the Education Debt: Understanding Achievement in U.S. Schools, Gloria Ladson-Billings, https://www.jstor.org/stable/3876731?seq=1#page_scan_tab_contents; http://www.vjol.info/index.php/khxhvn/article/viewFile/23252/19864
[21] https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuy%C3%AAn_ng%C3%B4n_%C4%91%E1%BB%99c_l%E1%BA%ADp_(Vi%E1%BB%87t_Nam_D%C3%A2n_ch%E1%BB%A7_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a)