Bầu trời tri thức trong vườn nhà Ngày đăng 06/06/2020, 20:22
(Viết cho con gái tôi. Và mong con luôn bình an và hạnh phúc…)
Ở Boston có thư viện công với tên BPL, Boston Public Library, với Bates Hall và một bầu trời tri thức nhân loại với tên tuổi của đầy đủ các danh nhân từ thời kỳ cổ đại đến nay. Có vẻ như mọi thứ tri thức đều có ở thư viện đấy, và ngay cổng ra vào thì có dòng chữ thật to, “Free for All”, Miễn phí cho Tất cả; hay dưới một ý nghĩa khác lớn hơn nhiều, “Tự do cho Tất cả”, bằng tri thức.
Hơn 5 tháng lê la ở đó đọc và nghiên cứu về giáo dục đại học ở đó, mẹ hiểu rằng, tại sao phải có khẩu hiệu, “Tự do cho tất cả” bằng tri thức, bởi cũng như những khẩu hiệu được viết ở trên tường của thư viện đó, viết từ trước khi có nước Mỹ, về “Tri thức là phương tiện để xây dựng con người tự do và xã hội dân chủ”. Và đó mới chỉ là bước đầu cho việc tạo dựng nên những con người tự do, dù đấy là ở Mỹ; bởi hóa ra, tri thức, dù có cả bầu trời tri thức được lưu giữ, được số hóa bởi BPL, cũng chưa đủ làm nên một nước Mỹ với những con người tự do! Bởi thế, dưới cờ Mỹ đầy sao, dù ở trong hay ngoài tòa nhà thư viện BPL, dù có miễn phí cho tất cả, con người vẫn chưa có tự do và chưa hề có tự do cho tất cả; bởi chỉ cách đó có vài blocks, khu nhà St. Francis dành cho dân cư nghèo đói, vô gia cư hay thậm chí, những người nhập cư, nơi mà họ “dựng” lên một câu chuyện về những gì nước Mỹ, các nước có hoàn cảnh giống Mỹ và những con người tìm mọi cách đến Mỹ để xây dựng ước mơ của mình, dựa trên những mẩu chuyện, những hoàn cảnh, những câu chuyện “thực tế” nhưng có thật, có ảo, có đúng, có sai, có những show như câu chuyện “reality shows” không biết dịch sang tiếng Việt thế nào cho “đúng” thuần Việt?
Đằng sau những tri thức đó, nếu chỉ thuần là tri thức cứng, giống như quyền lực, cũng chỉ là một cách “cưỡng ép” tri thức, một hình thức “nhồi sọ”, dù được gọi đó là giáo dục. Nền giáo dục cho con người đúng nghĩa đòi hỏi nhiều hơn thế. Nhiều hơn những gì được gọi là tri thức được tích cóp hơn bao thế kỷ của nhân loại vào những cỗ máy, dù đó là máy được thiết kế với “tốc độ” xử lý ra sao, “tích hợp” thế nào…mà giờ này, trong các ngành nghiên cứu khoa học về giáo dục mới, họ đang “vẽ” ra những cách thức được gọi tên là “tích hợp” giáo dục vào các môm, ngành; hoặc “nghiên cứu đa ngành, liên ngành”; mà quên đi bản chất của khoa học chưa khi nào chỉ là đơn ngành, hay không có tính hài hòa với tất cả những gì khác, bên cạnh môn/ngành chuyên sâu.
Giống như con người, khi chúng ta giáo dục con trẻ và học sinh những ngành/môn, rồi tách bạch ra để phân tích, lý luận; rồi lại hợp nhất nó với những gì mà chúng ta “nghĩ” là phù hợp, cứ tách ra rồi lại hợp lại, rồi cứ mỗi lần như vậy được có một cuộc “cách mạng” giáo dục, với những gì là từ ngữ mới, “tên gọi” mới; trong khi bản chất của con người là một tổng thể hài hòa với tất cả trong chính bản thể của nó và với tự nhiên.
Ngày hôm nay, cũng như ngày hôm qua và hơn 3 năm qua, sau những tra tấn về tinh thần của những người “bạn”, dù ở Mỹ hay ở Sài gòn này, tôi nhận ra được cách thức “chiết xuất” (extraction) mà chúng ta, ở thời đại này, thời đại IoT và số hóa tất cả, cố gắng tìm cách “bóp nặn” từ nhân loại, từ những kết nối, từ những gì chúng ta tìm cách “sắp xếp lại tri thức con người cho có hệ thống”; nhưng hóa ra, lại là một cách triệt tiêu triệt để nhân tính của chính con người, đặc biệt là cho thế hệ sau, thế hệ trẻ.
Dù cùng nhìn đến lá cờ đầy sao của Mỹ tại BPL, mỗi cá nhân, mỗi con người, mỗi tư duy và cảm xúc đều rất khác nhau, và đó mới là con người. Thì nay, nhân danh những điều tốt đẹp “Vì Thế Hệ Không Giới hạn” cho con trẻ, chúng ta triệt tiêu tất cả những gì là con người nhất trong chính con người; để biến những gì là cảm xúc và tư duy cá nhân trở thành “Miễn phí cho Tất cả”; dẫu cho điều miễn phí này không hề tạo nên “Tự do cho tất cả”.
Những con người với trí não được “rèn luyện” để trở thành những cỗ máy xử lý thông tin; bộ “lọc” thông tin, máy học, máy đọc, và những gì đó khác nữa, ngay tại BPL, ngay tại nơi mà lá cờ Mỹ tượng trưng cho tự do đang được treo ở đó, nói lên điều gì?
Khi trí não con người bị xâm phạm công khai, bị lạm dụng công khai, khai thác, dù là miễn phí hay thương mại hóa để đi kèm với những lợi ích “tập đoàn” và các thể chế quyền lực chính trị, tự do là gì? Khi con người không còn là chính con người?
Giáo dục con người, nhưng lại dùng chính giáo dục trở thành “công cụ” phục vụ quyền lực trong kinh tế - chính trị, như Harvard có một tiêu đề về “Cuộc chiến trong lòng các đại học”, thử hỏi, đó là giáo dục vì ai, cho ai?
Dẫu có cả một bầu trời tri thức ở ngay trong lòng nước Mỹ - Harvard và Boston? Dẫu có nhân danh vì toàn cầu, thì giáo dục đó đang dựa trên nền tảng nào?
Và khi chúng ta chỉ nhìn đến dữ liệu, nhìn đến những thứ “cứng”, quên đi rằng con người cần không chỉ là tri thức, mà đạo đức làm người, thì thử hỏi, cách Harvard đã và đang dẫn dắt giáo dục Mỹ và Boston đến đâu? Đến St. Francis cho những ai không đủ tiền, đủ quyền, để vào Harvard chăng?
Điều thật – điều giả; điều đúng – điều sai ở mỗi thế hệ đều có vô số khác biệt, vô số nhận thức khác nhau; bởi chúng ta sinh ra và lớn lên với mỗi hoàn cảnh, mỗi thể chế, và đặc biệt là nhận thức thế hệ khác nhau. Nhưng, cũng tương tự như lịch sử nhân loại, điều duy nhất để phân định và đánh giá, dù sau đó hàng thế kỷ, đó là chúng ta tất cả đều là con người.
Mọi nhân danh, mọi mạo danh, mọi khẩu hiệu, chỉ là “vỏ bọc”! Điều cuối cùng để nói tôi làm điều này vì điều gì, vì lợi ích của ai, vì Con Người thật sự; hay vì sự mạo danh làm người để mưu tính những lợi ích kinh tế - chính trị của những nhóm lợi ích nào đó, thì dù ở Mỹ, cũng chỉ là thời gian, người dân, học sinh sinh viên đều sẽ hiểu ra được sự thật là gì.
Vì thế, mỗi khi tôi đến ngắm nhìn tòa nhà BPL, đến Bates Hall và những bức tranh đẹp đẽ gắn trên tầng cao nhất, vẽ về những cuộc phán xử trong lịch sử Thiên Chúa Giáo, hay những bức vẽ về Thiên Đường hay Địa Ngục ngay trong cùng một bức vẽ; những gương mặt người và quỷ trong cùng một bức tranh; tất cả đều thật thú vị để liên tưởng tới “Tự do Cho Tất cả” hay “Miễn phí cho Tất cả”, xét dưới góc độ tri thức đang được xếp chật ở các tầng của tòa nhà BPL.
Đọc một bài viết về giáo dục gia đình, tấm lòng của con trẻ với cha mẹ hay ngược lại, điều tôi luôn tự hỏi, hình như có sự nhầm lẫn lớn giữa Tây và Đông; giữa chính con người “chúng ta”?
Trong vô số sách viết về kỹ năng làm người nổi tiếng, ở Mỹ luôn nhấn mạnh đến “lợi ích”; trong đó dù là cha mẹ sinh con, gây dựng cho con cũng vì để sau này con cháu lo lắng ngược lại cho mình, đó là sự “sòng phẳng” trong mối quan hệ đầu tư?
Còn tôi lại sinh ra trong gia đình yêu thương “vô điều kiện”, điều mà tôi đã từng nói với những bạn bè Mỹ, tôi yêu thích văn hóa Thiên Chúa Giáo ở những giá trị tinh thần “Tình yêu không điều kiện” (non-conditional love), một ví dụ thơ ngây gắn với bộ phim Mỹ nổi tiếng những năm 70s, “Chuyện Tình Yêu”. Nhưng điều này chỉ có ở phim ảnh, ở tiểu thuyết “viễn tưởng”, mà tôi quên đi mất sự thật về phân biệt đẳng cấp, về những đau khổ khôn cùng của những ai muốn sống với sự thơ ngây và thiện lương, dù trong phim, đều phải chết cả!
Lời xin lỗi muộn của người cha trong phim Chuyện tình yêu, được lặp lại ở Harvard không, khi những gì xảy ra ở Boston 2019 này, chỉ là câu chuyện cho những ai đó; nhưng lại là tra tấn tinh thần và thể xác cho chính bản thân tôi? Và để đánh đổi lại niềm tin vào giá trị Mỹ: theo đuổi sự thật và chứng minh sự thật cho nước Mỹ hiểu rõ, “Bạn đã và đang làm gì với cuộc đời tôi, dù có thể nước Mỹ im lặng, đó chỉ là thời gian để minh chứng về những gì, dù nhân danh giáo dục hay bất kỳ điều gì, chúng ta không được quyền lặp lại tội ác với con trẻ, với chính học sinh và nhân dân Mỹ và thế giới này!”
Nhìn lại giáo dục từ bầu trời tri thức của BPL/Boston và bầu trời tri thức tôi muốn con tôi nhìn đến trong vườn nhà, đó là hãy sống, hãy sống như một con người tự do, với tri thức mà mình tìm kiếm sự thật trong đó, chứ tri thức do ai đó mang lại, dù đó là điều đúng của hôm nay, ngày mai nó sai, chúng ta tìm kiếm điều gì?
Đó là lý do tôi viết chữ Nhân Nghĩa để làm con người cho con tôi và cho thế hệ trẻ. Bởi tri thức, dù với thiện ý hay vô tình, ai đó cũng hoàn toàn có thể tạo ra “tội ác” bằng tri thức cho chính con người, cho chính chúng ta và thế hệ sau.
Thế hệ con tôi, tôi mong nó được yêu thương, nó yêu thương mọi người, với một tình yêu không điều kiện, và đó mới là điều dẫn dắt con người đi tìm tri thức đúng.
Một thế giới luôn có đủ cho tất cả, nếu có được tình yêu thương không vụ lợi dẫn dắt, nhưng tiếc thay, từ nhỏ đến lớn, mọi điều giáo dục chỉ nhằm đến cạnh tranh và làm sao để đạt được những mục tiêu và chuẩn mực do “xã hội” và ai đó đặt ra cho mình, mà không hề hiểu, chúng ta là những con người khác nhau, thì tại sao chúng ta cần có thành tựu mà những giá trị đó không phù hợp với chính tính cách và nhân phẩm của con người mình?
Đường nước trong khu vườn, dù có phải nhờ chút phía bên hàng xóm, sẽ được chạy theo hình chữ “I”, có nghĩa là tôi; đi cùng với trục cột trụ sắt cũng tương ứng. Chữ “Tôi” này nhắc đến một triết lý của “Tôi – Chúng ta”; và đâu đó, chữ tôi trong chúng ta; và dù chúng ta có là tập thể, cộng đồng, vì cùng chung mục đích, cũng không thể loại bỏ đi tính “cá nhân” để mỗi con người được sống chính cuộc đời tự do là mình.
Vườn nhà, nhưng có đủ ông bà cha mẹ, có đủ đất nước và dân tộc bao quanh những chữ và cây, nhưng trên tất cả, muốn một đất nước tự do, mà không có những con người tự do, chúng ta tự do cho ai? Hay đó là sự “mạo danh” giống như khẩu hiệu ở cổng thư viện BPL?
Tự do với tri thức ngày càng quan trọng; nhất là khi những tài liệu, những sách vở và tri thức nhân loại được số hóa tất cả trên internet. Việc tìm kiếm tri thức và tìm kiếm tự do nhận thức là điều quan trọng mà không rõ ở đâu sẽ dạy, sẽ dẫn dắt thế hệ trẻ đi tìm?