Thư gửi Cô giáo Đức – Trường Đức Trí Ngày đăng 07/12/2016, 23:07
Thưa Cô,
Cảm ơn Cô đã điện thoại và trao đổi với em về trường và hoạt động mà Cô đã nỗ lực trong hơn 31 năm qua.
Em thực sự khâm phục những con người như Cô ở Việt nam, và em hiểu là những gì mọi người nhìn thấy hôm nay được xây dựng qua những năm tháng không dễ dàng gì. Em chúc Cô và Đức Trí vẫn tiếp tục con đường phát triển của mình!
Như có chia sẻ với Cô, em gửi Cô đường link về website NEWASIA GLOBAL LEARNING (CHÂU Á MỚI - HỌC CÙNG THẾ GIỚI). Đây là website phục vụ cộng đồng, không có mục tiêu nào ngoài việc chia sẻ và xây dựng cộng đồng học tập Cô ạ.
http://www.newasiagloballearning.com/
Linkedin về hoạt động của cá nhân em:
https://vn.linkedin.com/in/huong-nguyen-014084132
Một số tâm nguyện của em được chia sẻ trên web NEWASIA GLOBAL LEARNING, cụ thể em mong được tập trung vào 3 điểm:
1. Học cùng con
2. Tiếng nói giáo viên
3. Học đời - Đời học
Vì theo em hiểu, 3 đối tượng cơ bản của việc học: học sinh - giáo viên và cha mẹ ở VN hiện chưa được nghiên cứu và có tiếng nói một cách chuyên nghiệp trong mọi hoạt động liên quan đến từ chính sách giáo dục cho đến hoạt động tại trường, lớp.
Em mong là:
1. Với Học cùng con, chúng ta có thể tìm ra được cách giúp cha mẹ hiểu con, giúp đỡ con học và bản thân cha mẹ cũng phải học cách làm cha mẹ để hòa hợp với những cách hiểu, cách sống của con --> tạo dựng nên một nền móng xã hội học tập từ gia đình học tập cùng nhau. Có rất nhiều hoạt động cho các cha mẹ bận việc hoặc không có tiền, nhưng vẫn có thể thể hiện và chia sẻ với con cái về quan tâm tới con, tới việc học của con...mà hiện chưa nhiều người nghiên cứu hay viết về đề tài này. Chúng ta vẫn đang ở xu hướng coi con cái là đối tượng bị quản lý, thay vì một đối tượng tự chủ, có chính kiến riêng của mình;
2. Tiếng nói giáo viên: một hệ thống GD không thể tốt nếu GV không hài lòng với cuộc sống của họ. Em thực sự rất muốn nghiên cứu chuyên sâu về GV, làm sao xây dựng được cộng đồng cùng học, cùng chia sẻ, có thể nói ra được suy nghĩ của họ một cách độc lập với hệ thống hành chính quản lý trường và sở, bộ GD. Nếu GV là những người vừa là cộng tác, vừa là người phản biện những quy định, chính sách, nội quy trong giáo dục từ cấp cơ sở, sẽ rất hữu ích cho toàn bộ hệ thống GV vì chúng ta không mất tiền, thời gian và những lãng phí khác cho những dự án không có thực chất, hiệu quả của giáo dục, của giáo trình, của n thứ trong hệ thống. Cá nhân em nhận thấy rõ là trong hệ thống này, khó nhất là làm sao để GV và mọi người có thể nói ra được suy nghĩ thật của họ, để việc quản lý - điều chỉnh và phát triển giáo dục, nhà trường tập trung cho chất lượng dạy-học được tốt là một thách thức lớn.
3. Học đời - đời học: cá nhân em tin là cuộc sống học tập không chỉ trong gia đình và nhà trường. Hàng ngày chúng ta đều học được gì đó từ người ngoài, từ xã hội và thực ra là học cả đời, như ông cha ta nói "bảy mươi học người bảy mốt". Nhưng một thách thức lớn khác trong xã hội hiện nay là việc học người ngoài, học ngoài xã hội, điều tốt thì ít, điều xấu thì nhiều. Con trẻ giờ được tiếp xúc quá sớm với internet, với facebook, nhưng văn hóa học tập trên những phương tiện hiện đại đã không được dạy cẩn thận. Games, face, smartphone không giúp ích gì nhiều cho HSSV trong việc nâng cao kiến thức, mà lại tạo ra những hệ lụy "nghiện" những giá trị ảo, như trò selfie hay "khoe khoang" đồ dùng, ăn chơi, hàng hiệu...Cuối cùng, các em HSSV và những bạn tham gia trên mạng xã hội hiện nay cũng hay vướng phải những "anh hùng bàn phím", "người của công chúng ảo"...Tất cả điều này ở VN có thể chưa nhìn ra, nhưng ở Anh và Mỹ, người ta đã cảnh báo đến một xã hội "xác chết biết đi", khi giữa người -người không nói chuyện trực tiếp được, mà toàn giao tiếp qua các hệ thống mạng, mạng ảo...Em có bài viết gần đây về những điều rất lợi ích, điều tệ hại của công nghệ và giáo dục, em gửi Cô đọc tham khảo.
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Internet-van-vat-cong-nghiep-40-va-Giao-duc-post172741.gd
Khi em nhìn về GD Việt, em thấy chúng ta có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều điều cần tư duy lại...và em chỉ có 1 mình, không có tiền, không có vị trí, không có một điều gì ngoài một mong muốn sao cho việc học và dạy của chúng ta trở nên đúng hơn một chút, nhân bản hơn một chút, và làm sao, cuối cùng, con trẻ học được làm người đúng nghĩa, có ước mơ, dám mơ ước, dám thực hiện công việc mà các em mong muốn...
Em mong làm sao có nhiều, nhiều hơn những cô giáo như Cô, tận tâm và luôn mong muốn điều tốt nhất cho học sinh. Em mong có những người biết quan tâm đến giáo viên, đời sống tinh thần và vật chất, lo cho họ được dạy đúng nghĩa, họ được học bổ sung, tự nâng cao năng lực. Và cha mẹ, giáo viên và học sinh, những chủ thể của giáo dục, được có cơ hội chia sẻ suy nghĩ về mọi mặt trong hoạt động, từ lớp học, giáo trình, chương trình chính khóa và ngoại khóa, Sẽ không có một ai hay chương trình ngoại nhập nào trả lời giúp cho giáo dục Việt nam rằng chúng ta cần gì và phải làm gì, nếu chính những người Việt không trả lời được!
Hy vọng là những gì Cô và Đức Trí đang làm sẽ là một ví dụ tốt cho các trường ở Việt nam xem xét.
Em rất mong được quan sát, trải nghiệm từ trường Cô, được nghe kinh nghiệm của Cô trong việc dạy và tổ chức quản lý trường để tìm ra đâu sẽ là điểm mà giáo dục phổ thông cần hiệu chỉnh cho phù hợp. Việc GD đại học chỉ xuống yếu kém từ phổ thông, cha mẹ phiền trách nhà trường, bộ khiểm trách trường và giáo viên... cách "chỉ tay tìm lỗi" kiểu Việt nam mình em nghĩ không thể có tác dụng giúp giáo dục chúng ta tốt hơn được. Vậy nên em cố gắng đi tìm và em mong em tìm được những con người, những giáo viên, những cha mẹ, những ngôi trường làm thật, có giá trị thật cho học sinh, để từ đó có cơ sở làm nghiên cứu, hy vọng có chút ít gì đó hữu ích.
Em mong Cô và trường sẽ chia sẻ và giúp đỡ em trong những hoạt động nghiên cứu này, và cũng như những chia sẻ trên trang web HỌC CÙNG THẾ GIỚI.
Và em mong Cô và các anh chị sẽ giúp em trả lời mấy câu hỏi hôm trước em gửi qua Cô.
Kính chúc Cô khỏe, và mọi sự an lành. Nếu Cô có gì hay có thể chia sẻ và gửi thông tin cho em, xin Cô gửi qua email cho em, và chúng ta sẽ gặp lại vào 2h30 ngày 21/12 này.
Em Lan Hương
Gởi ý kiến